Với suy nghĩ ấy, tác giả - kiến trúc sư Nguyễn Khánh Toàn (sinh năm 1976) đã bắt tay thực hiện viết sử bằng thể thơ song thất lục bát từ hơn 10 năm nay.

Sau tập 1,2,3 xuất bản trong những năm 2009 - 2010, tập 4 truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc” vừa được giới thiệu tới bạn đọc, đem đến một cách cảm nhận sinh động về lịch sử dân tộc. Nhân dịp này, phóng viên VOV đã phỏng vấn tác giả Nguyễn Khánh Toàn về tác phẩm của anh. 

PV: Thưa tác giả Nguyễn Khánh Toàn, sau 3 năm anh tiếp tục cho ra đời cuốn sách tập 4 truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc”. Anh có thể giới thiệu cụ thể hơn nội dung của cuốn sách này?

Tác giả Nguyễn Khánh Toàn: Cuốn sách này viết toàn bộ về thời kì nhà Trần. Trải qua thời kì nhà Hồ khoảng 7 năm và đến thời kì kết thúc của nhà Trần mà chúng ta nói đến là thời hậu Trần- Trần Quý Khoáng. Chúng ta biết thời nhà Trần là thời văn trị lẫy lừng với 3 lần chiến thắng Mông - Nguyên mà công đầu là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.

img_3842.jpg
Bìa tác phẩm "Con Hồng cháu Lạc" tập 3, 4

Trong thời đại này cũng xuất hiện một nhân vật kì tài là đức Phật hoàng Trần Nhân Tông - người đã có công thống nhất các giáo phái Phật giáo, hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đầy đủ đặc tính, bản chất của người Việt Nam. Tôn giáo đó với tính chất hộ quốc an dân đã giúp cho việc chấn hưng văn hóa để đưa văn hóa thời kì nhà Trần vượt lên văn hóa của thời nhà Lý, đóng góp không nhỏ vào việc định hình văn hóa Việt Nam.

PV: Vẫn là hình thức chuyển tải bằng thể thơ song thất lục bát, còn tâm thế của anh sau 3 năm có gì khác so với những ngày đầu bắt tay vào làm “Con Hồng cháu Lạc”?

Tác giả Nguyễn Khánh Toàn: Nói về tâm thế thì tôi vẫn như vậy, vẫn là nhiệt huyết của mình. Có khác chăng những cuốn trước thì những tư liệu lịch sử không dày đặc, nó giúp cho trí tưởng tượng, sự thăng hoa của mình dễ dàng hơn. Còn càng về sau thì chi tiết lịch sử dày đặc hơn thì mình phải bám sát hơn.

PV: Có lẽ vì thế tác phẩm “Con Hồng cháu Lạc” tập 4 của anh có độ dày gần 500 trang. Có khi nào anh lo rằng mình quá tham về mặt thông tin sẽ tạo ra sự nhạt trong tâm thế của người đọc?

Tác giả Nguyễn Khánh Toàn: Thực ra tôi không nghĩ rằng mình quá tham về mặt thông tin mà một sự việc cần phản ánh đúng và đầy đủ. Quan trọng là thông tin được dàn trải như thế nào chứ không nên dồn về một góc. Thực ra thông tin ở đây được dàn trải trên nhiều bình diện khác nhau cho nên chúng ta có thể nhẩn nha nhấm nháp.

Và một điều khác, khi chuyển sang thơ thì phải chắt lọc rất nhiều. Mình chỉ lấy những thông tin chính. Như PGS. TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học Việt Nam) cũng nhận xét cuốn sách này mặc dù đã đi rất tỉ mẩn chi tiết rồi nhưng thực sự với hình thức thơ thì cũng không thể nào chuyển tải 100% sự việc. Cho nên tác phẩm này chỉ mang tính gợi mở, đóng góp thêm thông tin. Còn để hiểu rõ về một vấn đề thì chúng ta phải tham khảo ở nhiều góc độ.

Tác giả Nguyễn Khánh Toàn 

PV: Truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc” đã đi đến tập 4, kết thúc tại triều Trần. Vậy trong thời gian tới, anh có dự định như thế nào để viết tiếp tiến trình lịch sử Việt Nam bằng thơ?

Tác giả Nguyễn Khánh Toàn: Tiếp theo là tập 5, viết về triều đại nhà Lê. Thời kì này phản ánh rõ Nho giáo ảnh hưởng vào Việt Nam như thế nào. Tôi nghĩ rằng dữ liệu của nó rất phong phú và dày đặc. Còn phần 6 tôi sẽ viết về thời nhà Nguyễn và có lẽ sẽ kết thúc vào năm 1945.

Tôi có ý định viết tập cuối và không muốn đặt tên là tập 8. Tập cuối có lẽ là sự tổng kết chặng đường từ tập 1 đến tập 7, tổng kết những cái nhìn riêng của mình về bản chất sự vật, về cuộc sống, về dòng chảy lịch sử. Có thể nó như một định nghĩa, triết lý phản ánh bản chất của sự vật. Sau này nếu ai hoặc tôi có thể viết tiếp thì sẽ cài vào đó và tập cuối cứ được đẩy về sau, nó như cái cái khóa cho bộ sách này.

PV: Một tác phẩm lịch sử không thể thiếu tính văn hóa. Trong cuốn truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc” của anh, yếu tố văn hóa được đan cài như thế nào?

Tác giả Nguyễn Khánh Toàn: Bản chất dân tộc này hấp dẫn dân tộc khác hay con người này hấp dẫn con người khác cũng bởi các giá trị văn hóa. Ở bộ sách này, tôi đã chú trọng vấn đề đó với mục đích khơi gợi niềm đam mê, sự hiểu biết sâu sắc hơn của lớp trẻ về những phong tục tập quán của con người Việt Nam qua nhiều thời đại, tiếp biến văn hóa như thế nào để đến bây giờ hình thành nên nhân cách con người Việt Nam với những thói hư tật xấu ra sao, điểm mạnh yếu như thế nào?

PV:Một người yêu thích lịch sử như anh, có lẽ càng về sau, cùng với quá trình tìm hiểu, đào sâu hơn những quá trình lịch sử dân tộc, phải chăng sẽ có sự “đằm” hơn trong cách sống, cách suy nghĩ?

Tác giả Nguyễn Khánh Toàn: Quá trình viết cuốn sách này cũng như một lần mình tự tôi luyện, rèn giũa, đúng như chị nói là “đằm”. Thì đúng thế, nó làm cho mình trầm tính hơn, nhìn nhận mọi vấn đề đa chiều hơn, để tìm ra đúng bản chất của sự việc.

PV:Xin trân trọng cảm ơn anh!./.