Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định: Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn đa tài trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn xuôi, kịch. Những thành công mà ông có được một phần là nhờ ảnh hưởng từ truyền thống quê hương ông - xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội - một ngôi làng cổ ven sông Hồng. Nhờ đó, sáng tác của ông giúp người đọc hình dung rõ hơn về những thăng trầm của đất kinh kỳ Kẻ Chợ, từ thuở An Dương Vương xây thành ốc đến Hà Nội những năm hòa bình sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

img_3452_tpmy.jpg
Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. 

Ngay từ tác phẩm đầu tay "Cái đời tôi" ông viết riêng cho mình, Nguyễn Huy Tưởng đã dành trọn vẹn những trang viết đầu đời để kể về quê hương và gia đình. Từng người làng thân thuộc như ông phó Cõi, cô Thứ hay những ấn tượng về cảnh vật quê hương, nghề nuôi tằm, dệt vải đều được ông tái hiện trong các sáng tác tiêu biểu như: kịch "Vũ Như Tô", tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô", tùy bút "Một ngày Chủ Nhật", bút kí "Ngày mùa"... Đặc biệt trong nhật kí và tự truyện của ông, người đọc có thể nhận thấy chuyển động của xã hội Việt Nam trong buổi giao thời, về hành trình sáng tạo của một lớp người trẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bích Thu - Viện Văn học nói: “Trong những trang viết của mình, dù viết về những đề tài không gắn liền với văn hóa, ông vẫn đưa được những giá trị văn hóa đan xen trong tác phẩm. Ý thức đó thấm vào sáng tạo của nhà văn. Nguyễn Huy Tưởng chú ý đến những căn nhà Hà Nội xưa với vẻ lô xô,  mái ngói thâm nâu, những giá trị văn hóa ẩm thực... được ông miêu tả trong những trang sách của mình, làm cho cảm thụ của người đọc mang sắc thái phong phú, đa dạng, bớt đi sự căng thẳng, đặc biệt trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh.”/.