Đến từ đất nước Israel, nhà văn Etgar Keret được đánh giá là bậc thầy tài tình và chân thực về thể loại truyện ngắn. Tác phẩm của ông khá đặc biệt về hình thức với nhiều truyện cực ngắn, nhưng người đọc lại cảm thấy ở đó có sự kết hợp sự thâm thúy và gần gũi. Nhân vật trong tác phẩm của ông có thể hơi lạ lùng và quái dị nhưng lại có những tính cách rất đỗi con người, quen thuộc và mãnh liệt.

Trong khuôn khổ Những ngày văn học Châu Âu 2015, nhà văn Etgar Keret đã sang thăm Việt Nam, giao lưu cùng độc giả nhân dịp xuất bản tập truyện ngắn “Đột nhiên có tiếng gõ cửa” của mình. 

img_1007_npqg.jpgNhà văn Etgar Keret

PV: Xin chào nhà văn Etgar Keret, tôi rất ấn tượng với những tác phẩm của ông. Nó tuy ngắn nhưng lại rất thú vị, với những cái kết đầy bất ngờ, dí dỏm. Vì sao ông lại thích viết truyện ngắn như thế?

Nhà văn Etgar Keret: Việc viết văn như một tình cảm, như một dòng chảy trong tôi. Ví dụ: khi bạn ném một viên đá xuống nước, bạn sẽ nhìn thấy nhiều gợn sóng lăn tăn dưới mặt hồ. Câu chuyện lúc đó không dừng lại ở viên đá nữa. Điều đó cũng giống như tôi khi viết văn, không thể gò ép hay làm cho mình cứng nhắc với những quan niệm. Có thể trong tôi chứa nhiều năng lượng và với mỗi truyện ngắn viết ra giống như việc bùng phát, tạo ra cảm xúc trong mình. Nếu viết một tiểu thuyết dài hơi hơn thì có lẽ vụ nổ đó sẽ phải chậm rãi hơn. Nhưng tôi không biết làm thế nào để nổ chậm cả, chỉ có thể nổ nhanh như thế thôi.

PV: Khi dành thời gian sáng tác, với mỗi tác phẩm,ông thường viết trong bao lâu?

Nhà văn Etgar Keret: Có những truyện trong một ngày hay vài giờ thì tôi đã viết được. Thế nhưng cũng có những truyện tôi viết nhưng rồi lại bị mắc kẹt và không biết làm như thế nào để viết nữa. Sau đó, có thể tôi sẽ lãng quên nó, và rồi một lúc bất chợt, tôi lại thấy được tứ của câu chuyện và viết tiếp. Có truyện đã tốn của tôi mất 7 năm. Đó là câu chuyện “Một bước xa hơn” trong tập truyện ngắn “Đột nhiên có tiếng gõ cửa”. Tôi viết truyện này khi còn ở trong quân ngũ, năm 20 tuổi. Khi viết xong thì tôi đã 28 tuổi.

PV:  Trongnhững nhà văn và tác phẩm kinh điển thế giới, ông thích đọc ai nhất?

Nhà văn Etgar Keret: Tôi ở trong quân ngũ từ năm 18-21 tuổi. Năm 19 tuổi tôi bắt đầu viết. Trong thời gian đó tôi bị phạt rất nhiều vì không tuân thủ những quy tắc. Tôi đã đọc sách của Frank Kafka và nhận ra: “Ồ, trên thế giới còn nhiều người khốn khổ hơn mình”. Lối viết truyền thống của Israel thì nhà văn giống như một người thầy, đưa ra bài học, lời khuyên cho người khác. Nhưng khi đọc Kafka tôi nhận ra rằng mình không nhất thiết phải đứng trên người khác để đưa ra triết lý. Nhà văn có thể chia sẻ với mọi người bằng việc đặt ra những câu hỏi, thậm chí chia sẻ những điểm yếu của chính mình và để cho tất cả mọi người cùng nghĩ về điều đó.

PV: Là một nhà văn, ông có phải là người sống được bằng nghề viết?

Nhà văn Etgar Keret:  Ở Isael, cuộc sống của nhà văn cũng giống như ở Việt Nam thôi, họ không thể kiếm sống bằng nghề viết văn được. Tôi nhận thấy mình là người may mắn vì sách của mình được xuất bản ở nhiều nước nên tôi có thể sống bằng tiền nhuận bút. Bố tôi ngày trước cũng từng dặn rằng: đừng bao giờ biến viết văn thành nghề nghiệp của mình mà hãy coi đó là sở thích, niềm yêu thích thôi. Thực ra, nghề chính của tôi là một Giáo sư đại học, là người giảng dạy về văn học Israel.

Bản thân việc mình có thể viết lách, khả năng sử dụng ngôn ngữ thành những tác phẩm văn học đã là một năng khiếu, là quà tặng cuộc sống cho ta. Con trai của tôi mới 9 tuổi. Khi tôi hỏi lớn lên con muốn làm gì? Nó bảo muốn làm người lái taxi vì thấy họ hay được đếm nhiều tiền. Tôi bảo với nó rằng: “Khi làm việc, con sẽ có nhiều thứ hơn cả tiền”. Ví dụ: khi con làm bác sĩ, con sẽ cứu được mạng sống của nhiều người. Nếu con làm giáo viên, con sẽ nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người nữa. Con trai tôi lại hỏi: “Bố làm nhà văn thì được cái gì”. Tôi trả lời: “Làm nhà văn thì được tất cả mọi người yêu mến”. Con trai tôi vui mừng và bảo: “Đó là một nghề tốt nhất thế giới”.

Nhà văn Etgar Keret giao lưu cùng độc giả Việt Nam nhân dịp xuất bản tập truyện ngắn “Đột nhiên có tiếng gõ cửa” của mình. 

PV: Trong cuốn sách “Đột nhiên có tiếng gõ cửa”, ông muốn giới thiệu cho bạn bè Việt Nam về đất nước, con người Israel như thế nào? 

Nhà văn Etgar Keret:  Cuốn sách của tôi lần này được xuất bản tại Việt Nam nói về những con người sống trong một đất nước mà họ chưa biết về tương lai một cách rõ ràng, luôn phải sống trong lo sợ bị đánh bom. Một cuộc sống như vậy khiến cho người ta dễ nổi nóng, dễ gây sự với nhau, hiếu chiến và phải tự bảo vệ bản thân. Tuy vậy, những con người trong tác phẩm của tôi đều là những người cố gắng tìm ra được niềm tin vào cuộc sống, vào tính lương thiện của con người. Mỗi buổi sáng tỉnh dậy, kể cả khi bạn đang sống trong một hoàn cảnh có chiến tranh thì điều đầu tiên bạn nghĩ đến không phải là câu chuyện cuộc chiến đang diễn ra như thế nào mà bạn sẽ nghĩ: “Liệu vợ tôi có còn yêu tôi không?... Tôi mong rằng con mình sẽ đạt kết quả tốt ở trường”… Câu chuyện chiến tranh có thể được thể hiện trên tivi nhưng trong trái tim con người, những khao khát, tình cảm ở đâu cũng giống nhau.

PV: Tôi rất thích câu chuyện “Chúng ta có gì trong túi” của ông. Thói quen hàng ngày, ông có thường để nhiều thứ trong túi quần như vậy không?

Nhà văn Etgar Keret: Trước khi sang Việt Nam thì tôi đã bỏ hầu hết nhiều thứ trong túi của tôi ra rồi, vì vợ tôi trêu rằng: “Nếu cứ bỏ nhiều thứ trong túi, trông chân của anh rất to”. Có lần, con trai tôi có một quả pháo nhỏ, ném xuống đất là nó nổ. Tôi đã tịch thu quả pháo đó và bỏ vào túi áo ngực sau một lần con trai tôi nghịch ngợm, hù dọa trẻ con nhà hàng xóm. Tôi quên luôn quả pháo trong túi áo mình. Đến lúc tôi lên giảng đường, nói chuyện với sinh viên: “Đừng có viết bằng cái đầu, phải viết bằng trái tim” và giơ tay đập vào ngực mình, quả pháo nổ “bùm”. Lúc đó, sinh viên của tôi vô cùng sửng sốt, nói rằng “quả là một giáo viên chuyên nghiệp”, còn chuẩn bị sẵn hiệu ứng để làm cho bài giảng sinh động, ấn tượng.

PV: Đây là lần đầu tiên ông tới Việt Nam. Trước khi sang đây, ông có biết về văn học của đất nước chúng tôi không?

Nhà văn Etgar Keret: Tôi chưa biết gì về văn học Việt Nam cả. Và cuốn sách của tôi là tác phẩm văn học Israel đầu tiên xuất bản tại đất nước của các bạn. Tôi e rằng, những tác phẩm văn học Việt Nam cũng thế, hầu như chưa được biết đến ở đất nước chúng tôi. Những gì chúng tôi biết về Việt Nam lại qua tác phẩm văn học, điện ảnh của Mỹ. Tôi nghĩ rằng những câu chuyện về người Việt Nam, do người Việt Nam viết sẽ khiến cho chúng tôi nhìn thấy được từ khía cạnh của người Việt. Việt Nam và Israel có sự tương đồng nhất định. Khi nói về Việt Nam, người ta nghe nói nhiều về chiến tranh. Cũng giống như khi hỏi về Israel thì các bạn chỉ biết đến đánh bom, mâu thuẫn hai nước Israel-Palestin… Họ không biết đến Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, cũng không biết về đất nước chúng tôi. Do vậy, nhà văn chính là những đại diện cho trái tim, cho con người để làm cho thế giới hiểu: Tất cả chúng ta đều là những con người như nhau.

PV: Xin cảm ơn ông! Chúc ông sẽ có những trải nghiệm thú vị khi ở Việt Nam./.