Lời nhận xét của Hội đồng xét giải về tập thơ “Ngồi gỡ tơ trời”- NXB Hội Nhà văn: “Tập thơ có nhiều bài viết về tình yêu và cuộc sống đời thường. Bằng cách nhìn đa chiều, lối viết phóng khoáng, tác giả đã tạo được nét riêng trong thơ mình…”, đã để cho tôi tìm đến tác phẩm đầu tay của nhà thơ 9X này với chút tò mò.

ngoi_go_to_troi_truong_cong_tuong_mols.jpg
Tập thơ "Ngồi gỡ tơ trời" của nhà thơ 9X Trương Công Tưởng. 

Trương Công Tưởng thật ra không phải là một cái tên lạ, sinh năm đầu của thế hệ 9X, ngay từ 16 tuổi đã có thơ được phát trên sóng phát thanh tỉnh nhà, đài Hà Nội, VOV. Trương Công Tưởng như ngôi sao tài năng sớm phát lộ, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định từ khi còn trẻ, và có thơ đăng ở nhiều báo như: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tuổi trẻ, Tiền phong, Sông Hương, Đà Nẵng,…

Không biết có phải là một “tuyên ngôn”, Trương Công Tưởng chia sẻ đam mê hay tình yêu thơ của mình : “Thơ như hơi thở, như lẽ sống trong lòng tôi. Nếu không có thơ, có lẽ cuộc sống tôi đầy những bức bí”. Không biết có phải cái “bức bí” đó ám ảnh, nên dù còn trẻ, trong 42 “câu chuyện” hay 42 gút mắc “tơ trời”, Tưởng như muốn “gỡ”, muốn giải mã nội tâm của chính mình, của những người phụ nữ trong đời Tưởng, và của những xôn xao rối như tơ vò cuộc sống đương đại.

“Ngồi gỡ tơ trời”, cảm nhận trong ngôn từ thơ khá già dặn, nhiều cảm xúc phức tạp như một người đã từng trải nghiệm sóng gió đời đầy ưu tư sầu muộn, nhưng cũng nhiều bứt phá mãnh liệt, nhiều phóng khoáng hiện sinh chỉ có ở tuổi trẻ đầy năng lượng. Có khi lại như lùi lại đầy suy tư chiêm nghiệm như từng vấp ngã, từng thăng trầm, hay trĩu nặng tâm tư, ngậm ngùi ngay cả với hiện tại…

Có lẽ những người phụ nữ xung quanh Tưởng, từ bà đến người mẹ, người chị,… đều có ảnh hưởng nhất định trong cuộc đời, trong tình cảm, trong cả những nghĩ suy, nên suốt tập thơ gần như họ là những nắm “tơ trời” để Tưởng “ngồi gỡ” bằng khá nhiều tâm tư cảm xúc.

“…. Bà tôi mẹ tôi chị tôi - ba thế hệ - ba người đàn bà đều chẳng có chồng/ Ngoại tôi bảo: đời là những dòng sông…/Mẹ tối nói: đời là con đò nhỏ…/ Chị tôi khóc hoài vì đã bấy mùa thi/ người ấy vẫn cứ xa biền biệt”…- Ba người đàn bà. 

“Mẹ gội đầu/ hương bưởi ngạt ngào ngoài ngõ/ gió ướp vào mắt mẹ/ những cay nồng xa xăm/ Bà gội đầu/ những sợi tóc trắng buồn rụng trên tay/ như một vết/ thương đạn bom ngày ông không về nữa/ trắng vùng trời ký ức/ Chị gội đầu/ thanh xuân trôi qua cơn say/ vò rối lọn tóc mùa thu sau những ngày một mình vượt cạn…”- Gội đầu.

Khi viết về mẹ mà đọc lên cảm nhận thấm đẫm nước mắt đơn côi: “Mẹ đi ngày cuối giêng/ Bỏ lại con với cánh đồng nước mắt/ Thềm nhà mình hoa bưởi trắng/ Rụng vào nỗi cô đơn/ Con đi qua hết những niềm riêng/ vẫn thèm bàn tay mẹ...” - Mẹ đi rồi.

Ngay cả khi viết cho “người tình”, cũng là nỗi xa xót, những bài thơ nghe đắng đót nỗi niềm yêu và những thử thách trong tình yêu: "Tóc giả, K, Duyên, Rồi mai, Cho những xa xăm, Cỏ chết…" hay “Vòng tay không đủ ấm/ Môi hôn không đủ lửa/ Hay mùa đông dập tắt… / thâm trầm.”- Duyên 

Chỉ vài bài thơ về người cha, nhưng có thể thấy ông như một sự che chở, một nguồn năng lượng ẩn mình tiếp sức cho Tưởng có thể vượt qua nhiều ngưỡng thăng trầm khi tuổi đời còn trẻ. “Cha chưa bao giờ nói với con về những yêu thương/ Nhưng con biết thẳm sâu trong cha là tình yêu vô tận/ Sau mỗi lần vấp ngã là lòng tràn cay đắng/ Con lại về cùng cha vốc cạn những nỗi niềm”- Nói với cha.

“Ngồi gỡ tơ trời” có thể gây sốc với những bạn đọc hiền lành, sống và nghĩ giản đơn, nhưng đó lại là một chiều khác gây thú vị trong thơ của Tưởng. Tưởng “gỡ tơ trời” ngay ở chính mình, như để giải thoát, bứt phá không theo khuôn phép những ẩn ức, nhưng có khi càng gỡ càng rối.. “Tự dưng khóc/ giữa một vùng u tối…/ Tự dưng đời/ là những đêm quán trọ”- Tự dưng.

Hay một sự khoáng đạt có chút ngông nhưng cũng thấy rõ sự cô đơn bản thể của tuổi trẻ hiện sinh “Không còn ai thì tôi cởi hết/ Cởi sạch trơn chẳng sót lại chút gì/ Mớ nỗi buồn còn vương thân cát bụi/ Nằm co ro như đứa trẻ bơ vơ/ Không còn ai không còn ai nữa hết/ Tự nhặt bóng mình trả lại thinh không”- Không còn ai.

Thậm chí có lúc như rơi vào sự cô đơn kiệt cùng: “Ngày mai chúng ta bước đi lòng chạm mênh mông/ Tôi vắt kiệt tuổi thơ và thấy toàn nước mắt/ Những vết thương còn chôn lại trong lòng bền chặt/ Cây cô đơn mọc trên phiến hoang tình”- Dư âm sau buổi chiều. 

Nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng. 

Không chỉ “Ngồi gỡ tơ trời” cho riêng mình, Tưởng còn có nhiều bài thơ mang trăn trở đầy thế sự như trách nhiệm công dân của người trẻ trong hiện thực xã hội: “Tôi là người con của trung du…/Tôi lớn lên làm kẻ sĩ nửa mùa/ Khóc cười điên dại/ Cuộc đời dù người thương kẻ ghét/ Cũng chưa bao giờ sống trái lòng mình/ Mẹ tôi dặn: lòng con phải thẳng ngay/ dù con có đi đâu cũng đừng bao giờ quên đất”- Chân dung.

Thơ Trương Công Tưởng trong “Ngồi gỡ tơ trời” có đủ cung bậc và nhiều miền cảm xúc. Giọng điệu và nhịp thơ có nhu có cương, có khi dịu dàng như lụa cho cảm giác êm ả, sâu lắng, thâm trầm, nhưng có lúc lại như một tiếng thét âm vực rộng, tạo cảm giác mạnh sốc như uống ực một hơi ly rượu Bàu Đá xứ Bình Định, vừa nóng vừa cay. 

Nhưng thơ của Tưởng lại có chất duyên bởi ngôn từ mộc mạc không kiêu kỳ, khá hài hòa trong nhịp điệu, không câu nệ hình thức hay niêm luật, vần điệu, để bài thơ, câu thơ như một lời chia sẻ, một tâm sự chân tình để người đọc cảm thấy gần gũi, đồng cảm, và đôi khi đồng điệu để có thể nhớ một giọng thơ, một con người thơ, điều khá hiếm trong làng thơ Việt hiện tại.

“Ngồi gỡ tơ trời” là những khát vọng đam mê trong tình yêu, những nỗi niềm trăn trở thế sự của tuổi trẻ, là những đau đáu về tình cảm gia đình, quê hương... Và tất cả được Trương Công Tưởng cho vào một khối tơ trời đầy những gút mắc, để rồi từ từ gỡ ra… Mà hình như vẫn chưa gỡ hết, nên bạn đọc vẫn đang đợi chờ Tưởng “gỡ” tiếp những sợi “tơ trời” ở năm 2020 và....

Như Tưởng có tâm tình: “Rất dài và rất xa. Không được bằng lòng với những gì mình đã viết ra. Mà phải luôn tư duy sáng tạo, để con đường với thơ, phải thật sâu”. Và Tưởng vẫn đang miệt mài gieo trồng trên cánh đồng văn chương nhiều đề tài mình yêu thích./.