Tối 17/4, tại Hà Nội, một không gian tràn ngập những kỷ niệm về nhà thơ Lưu Quang Vũ đã được tái hiện để những người yêu thơ nhớ về người nghệ sĩ tài hoa. 

Ký ức trở về Vườn trong phố

“Hà Nội những năm này vẫn còn không gian cho thơ Lưu Quang Vũ, cho thơ Xuân Quỳnh, cho những dòng cảm xúc không đồng phục. Chỉ cần bạn có một cảm xúc với thơ”. Lời mời ban đầu của nhà văn Nguyễn Trương Quý viết cho sự kiện đã gợi sớm về một không gian thơ xanh mát, một bầu trời có mây trắng, một ngõ phố nhỏ đợi người về.

Quả đúng như vậy. Khi nhà văn, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người đứng ra tổ chức đêm thơ cất lên lời mở đầu, người tham dự đã ngập tràn trong cảm xúc về quá khứ, với những bài thơ không năm tháng.

Ban đầu chỉ dự kiến 71 người bạn thơ thân thiết, cho con số 71 tuổi đời của Lưu Quang Vũ nếu thi sĩ còn ở lại cõi trần. Nhưng vượt quá mong đợi, người yêu thơ Vũ- Quỳnh kéo đến chật kín cả khu vườn của “Ơ kìa Hà Nội”, đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Chẳng se sưa, cũng chẳng giận hờn, to tiếng, số không có ghế lặng lẽ nép sau hàng cây, nhìn từ gác xép. Dòng người nối dài con ngõ nhỏ, chỉ mong dù ít dù nhiều, được gặp lại chính mình trong những lời thơ đầy bồi hồi, xúc động.

vov_tho_1_beyx.jpg

Đêm thơ thu hút sự quan tâm đông đảo của nhiều thành phần độc giả. Ảnh Thu Hòa/VOV4

Những thước phim tư liệu đen trắng, sống động (kịch bản Đào Trọng Khánh- bạn thân thiết của Lưu Quang Vũ) mở đầu đêm thơ, nhạc. Phim được quay bắt đầu từ vùng đất trung du Phú Thọ, nơi Vũ chào đời; ngôi nhà 96 Phố Huế, nơi Vũ sống với những thăng trầm cuộc đời… Chân dung người nghệ sĩ dần hiện lên chân thực qua trí nhớ và tình yêu của anh em, bạn bè như Đỗ Chu, Bằng Việt, Nguyễn Khắc Phục, Vương Trí Nhàn… những bạn thơ đồng niên “cùng cay đắng và cùng bay bổng” với Lưu Quang Vũ. Phim cũng không thể không nhắc đến nhà thơ Xuân Quỳnh, người bạn đời và là đôi cánh cho tài năng Lưu Quang Vũ bay cao, bay xa.

Đâu đó những tiếng sụt sùi, những dòng lệ nhòa khi phim hiện cảnh đám tang đôi vợ chồng nghệ sĩ – đây cũng là 6 phút hình ảnh động duy nhất quay bằng phim nhựa về Lưu Quang Vũ còn giữ được, do NSND Nguyễn Thước ghi lại. Bản thân nhà văn Nguyễn Hoàng Điệp cũng tâm sự, quá trình chuẩn bị cho đêm thơ, chị đã nhiều lần thẩm định thước phim, nhưng đến hôm nay xem lại vẫn bật khóc vì xúc động. 

Đêm thơ có sự đóng góp tâm huyết của rất nhiều bạn văn thơ, nghệ sĩ, MC nổi tiếng. Khâu biên tập nội dung, chọn các bài thơ đọc trong chương trình được đảm nhiệm bởi nhà thơ Phan Thủy Hàm Anh, nhà thơ Dạ Thảo Phương, nhà văn Trương Quý và nhà ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ. Phần thể hiện thơ được trình bày bởi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, vợ chồng nghệ sĩ Đỗ Kỷ- Lan Hương, nhạc sĩ Lê Tâm, Giáng Son, diễn viên Hoàng Dũng, ca sĩ Giang Trang… Ban tổ chức đã tinh tế sắp đặt không gian ngập tràn sắc hoa và hương thơm thanh mát của loa kèn - loài hoa mà nhà thơ Lưu Quang Vũ đặc biệt yêu thích. Lần lượt những bài thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh được người ở lại đọc, hát, ngâm nga, dạt dào thương nhớ về ngày 17-4, ngày mà một cốt cách được sinh ra, tận hiến cho đời những câu thơ dồn dập tinh thần sống và lửa yêu.

Những bức thư tình của đôi nghệ sĩ tài hoa được hóa thân qua giọng đọc đầy xúc cảm của vợ chồng NSND Đỗ Kỷ- Lan Hương. Ảnh: Thu Hòa/VOV4

"Se sẽ chứ không cánh buồm đi mất"…

Tên của đêm thơ như một cuốn nhật ký lần đầu tiên được công bố. Cứ se sẽ, thật nhẹ nhàng, để anh Vũ, chị Quỳnh không vội đi mất, mãi quyến luyến bên nhau. Như những bức thư tình anh chị viết cho nhau đầy chất thơ và sự tinh tế, đôi khi nặng trĩu trăn trở, giàu thế sự và ưu tư. 

" Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Về với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết thư, sợ gì em nhỉ"- Lưu Quang Vũ.

"Cuộc sống ngắn ngủi, con người chỉ đi qua cuộc đời như một vệt sáng rồi biến mất, vĩnh viễn. Sống với nhau 12 năm mà ngắn quá dù có vài chục năm nữa ở bên nhau cũng chẳng là dài. Em và anh ngày càng già đi, càng buồn nhiều khi trông thấy những người thân mình ra đi" - Xuân Quỳnh. 

"Anh thì mãi mãi vẫn thế: vẫn là anh của em với tất cả những nhược điểm và ưu điểm mà anh có, nhưng sẽ mãi mãi yêu thương em, hơn những ngày qua cộng lại"- Lưu Quang Vũ.

"Cả đời em, em chỉ muốn cố gắng sao cho cuộc đời anh đỡ nhọc nhằn. Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh, không phải về tình yêu mà về trí tuệ" - Xuân Quỳnh. 

Công chúng biết đến Lưu Quang Vũ ở tài năng đa dạng: viết truyện ngắn, viết báo, đặc biệt là một nhà viết kịch xuất sắc. Nhưng khoảng nghệ thuật ít hơn trong số những sáng tác của anh, đó là thơ, lại đong đầy cảm xúc sâu lắng. Có bốn câu trong bài "Mây trắng của đời tôi" được làm lời tựa cho tập thơ cùng tên, cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Lưu Quang Vũ: “Trên mái nhà, cao vút rừng cây/ Trên rừng cây, những đám mây xô giạt/Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”. (Trích “Mây trắng của đời tôi”- Lưu Quang Vũ).

Cả 1 đời ngắn ngủi tận hiến cho lao động nghệ thuật, Lưu Quang Vũ đã sống hết mình, yêu hết mình.  Vũ quan niệm rằng, “sự đầy đủ của cuộc đời con người là ở chỗ tìm thấy tình yêu, mặc dù tình yêu ấy có thể không ở lại cùng ta suốt đời”. Và niềm đau đáu ấy, Vũ mang cả vào thơ, với hình ảnh mây trắng trở đi trở lại: “Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh/Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất/Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về”. (Trích “Vườn trong phố”- Lưu Quang Vũ).

Tại đêm thơ, đạo diễn Hoàng Điệp dành toàn bộ không gian tầng 2 của khu vườn để trưng bày những kỷ vật lần đầu được tiết lộ, nơi “Nhà chật” bám bụi thời gian, thiếu ánh sáng nhưng đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương.

"Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồiNếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạoÔ tường nhỏ treo tranh và phơi áoTa chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.
(Trích bài thơ "Nhà chật" - Lưu Quang Vũ).
Những bức ảnh, bản thảo, thư tình của đôi vợ chồng nghệ sỹ Vũ-Quỳnh. Ảnh: Thu Hòa/VOV4

Trong không gian đặc biệt vỏn vẹn 6m2 với bức tường màu xanh, lấp đầy từng trang nhật ký, bản thảo, thư tình, những bức ảnh, mẩu ký hoạ, phác thảo bìa sách, những kỷ vật gần gũi, thân quen (bàn làm việc nhỏ xinh, chiếc cầu thang gỗ dẫn lên căn gác xép), cùng bao niềm vui thường nhật, bao kỷ niệm đong đầy của đôi vợ chồng nghệ sĩ. Người tham quan như thấy cả hình ảnh căn phòng có chiếc thảm cói, khi ăn cơm 2 anh chị trải báo lên. Một cái bàn làm việc rất nhỏ, thường là Vũ sẽ ngồi viết, và Quỳnh ngồi dưới đất, kê giấy lên đùi để sáng tác…thơ! Và mỗi đêm, bóng dáng gầy gầy thư sinh của Vũ, nghiêng nghiêng ru Quỳnh ngủ bằng thơ: 

"Ngủ nhé Quỳnh ơi, mọi việc để anh làmAnh rửa bát, dọn nhà, xếp lại những trang thơ Quỳnh viết dởCái tẩu, lọ hoa, mặt bàn tàn thuốc láNgủ ngon Quỳnh ơi, gian phòng nhỏ như thuyền…".(Trích "Thơ ru Quỳnh ngủ" - Lưu Quang Vũ).

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ- khi sống giữa đời đã là hai nửa của nhau, hai mảnh ghép tương đối hoàn hảo về trí tuệ, về cảm xúc. Và chuyến đi định mệnh năm 1988 cũng không thể chia lìa, tách rời họ. Đi trên con đường văn chương, Vũ đã viết cho sân khấu Việt trên 50 kịch bản, với nhiều phiên bản ở nhiều sân khấu khác nhau, Quỳnh là "nữ chúa của thơ tình". Để hôm nay, người yêu thơ vẫn ở lại đây cùng Vũ- Quỳnh, để họ vẫn còn ở trong nhau, trong chúng ta…“Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/ Đã đi qua cùng tận của con đường/ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên/ Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt” (Trích Bài hát ấy vẫn còn dang dở- Lưu Quang Vũ).

Trong đêm Hà Nội đầu hạ, từng cơn mưa phùn thi thoảng giăng xuống trời đất, nhẹ nhàng như bảy-mươi-mốt của đời thơ Lưu Quang Vũ thấm thoát trôi. Nhưng người yêu thơ Vũ, thơ Quỳnh vẫn như thấy còn đây hình ảnh đôi vợ chồng nghệ sĩ, với tình yêu tha thiết họ dành cho nhau, cho thơ, cho cuộc sống và cho cả đời người…/.

Nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 tại Phú Thọ, quê gốc là Thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận.

Nổi tiếng trên văn đàn khá sớm, từ 20 tuổi khi đang tham gia quân ngũ, Lưu Quang Vũ đã in chung với Bằng Việt tập thơ đầu tay Hương cây - Bếp lửa, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt và các tập thơ tiếp sau này như “Mây trắng của đời tôi”, “Bầy ong trong đêm”.

Với hơn 20 năm cầm bút, bằng sức sáng tạo mãnh liệt và bền bỉ, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng tác phẩm phong phú, đa dạng, nhiều giá trị, khi tạo ra một hiện tượng trong sân khấu kịch với hàng loạt vở diễn nhưNàng Sita; Hẹn ngày trở lại; Nếu anh không đốt lửa; Hồn Trương Ba da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Khoảnh khắc và vô tận; Bệnh sĩ; Tôi và chúng ta...

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

Lưu Quang Vũ – Những điều còn mãi

VOV.VN - Với hơn 20 năm cầm bút, bằng sức sáng tạo mãnh liệt và bền bỉ, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng tác phẩm phong phú, đa dạng, nhiều giá trị.