Sau những ồn ào xung quanh “nghi án đạo thơ” của Phan Huyền Thư khiến các nhà chuyên môn và dư luận dậy sóng, chiều 22/10, thông qua một kênh truyền thông, nữ nhà thơ đã gửi lời xin lỗi lần 2 đến nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Trong thư, Phan Huyền Thư đã thừa nhận bài “Bạch Lộ” của mình ra đời sau bài thơ “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan và chính thức tiêu hủy “Bạch lộ” trong các lần ấn bản, tái bản sau này. Các đơn vị liên kết xuất bản cuốn sách này năm 2014 là NXB Lao Động và Công ty Nhã Nam cũng tuyên bố ngừng phát hành tập thơ “Sẹo độc lập” trên toàn quốc.

Trước đó, nhà thơ Phan Huyền Thư cũng đã công khai xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, nhưng vẫn khẳng định tác phẩm của mình ra đời năm 1996. Nhà thơ Thường Đoan không chấp nhận lời xin lỗi này.

Tuy nhiên, sau khi Phan Huyền Thư thừa nhận “Bạch Lộ” có sau bài “Buổi sáng”, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan chấp nhận, đồng thời tuyên bố chấm dứt câu chuyện tranh chấp tác quyền bài thơ “Buổi sáng” của mình.

tr05_moef.jpg

Mặc dù câu chuyện đã đi đến hồi kết, nhưng lời xin lỗi của nhà thơ Phan Huyền Thư vẫn không hề nhắc đến 2 từ “đạo thơ” khiến cho nhiều người cảm thấy sự việc vẫn chưa được đi đến cùng. Trao đổi với PV VOV.VN, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội chia sẻ: “Phan Huyền Thư đã thể hiện thái độ tự trọng kịp thời khi công khai xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, cũng như công chúng và Hội Nhà văn Hà Nội, đồng thời xin trả lại bằng chứng nhận và giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội đã trao tặng cho tập thơ “Sẹo độc lập”. Dù đánh giá cao hành động đó, nhưng tôi vẫn không đồng tình với câu trả lời chưa rành mạch của nhà thơ Phan Huyền Thư. Nó không thỏa mãn, vì người ta vẫn chờ đợi một câu trả lời thành thật hơn, dũng cảm hơn, đơn giản hơn”.

Theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: “Trong sáng tạo văn học có những thành ngữ, có những câu thơ quen thuộc có thể người ta vô tình dùng lặp lại của những người đi trước, hoặc từ một ý tứ hay, dựa vào đó có thể triển khai. Các định nghĩa về “đạo văn” cũng tương đối rõ, lấy một phần, hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác đứng tên mình, hoặc thậm chí trích một đoạn của người khác không dẫn nguồn, không xin phép đều có thể coi là “đạo văn”. Trong trường hợp 2 bài thơ, đây là sự trùng lặp đến cơ bản, không thể bào chữa được”.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại coi đây là vụ việc gây ảnh hưởng không lành mạnh đến đời sống văn học hiện nay. Ông cho rằng, văn học nghệ thuật, kể cả khoa học là một sáng tạo mang tính vô tư, cống hiến cho xã hội, ít có tính vụ lợi ở trong đó. Chuyện “đạo văn” từ xưa cũng rất là ít. Từ “đạo văn” cũng mới xuất hiện đầu thế kỷ 20, còn “đạo thơ” có trong từ điển của Đào Duy Anh năm 1932. Sự phát triển của các loại hình thông tin, khiến cho người ta dễ “copy” được của nhau. Ngoài ra, sự phát triển của cơ chế thị trường cũng khiến cho nạn đạo văn ngày càng trở nên nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, với lượng người đọc đông đảo, nếu không người này phát hiện thì chắc chắn người khác cũng sẽ phát hiện những trường hợp “đạo văn”. “Không có gì hơn “tai mắt” của công chúng. Nhờ những phát hiện của công chúng, các hiện tượng “đạo văn” không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ bị phát hiện”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nhấn mạnh.

Hiện nay, Nhà nước cũng đã có những chế tài nhất định như Luật sở hữu trí tuệ, luật dân sự. Có thể quy vào những điều luật để xử lý những trường hợp “đạo văn”. Công chúng và báo chí cũng là những kênh phát hiện tinh nhạy, rộng khắp. Tuy nhiên, theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, mỗi nhà văn, nhà thơ cũng cần có lòng tự trọng. Cũng có thể có những lúc sơ suất, nhầm lẫn, nhưng cần thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình.

“Chắc chắn sau những bài học này, mọi người cũng rút được những kinh nghiệm nhất định. Nếu quanh co, càng làm cho bạn đọc không thể đồng tình và thông cảm được với những người có những sơ suất, sai lầm, vi phạm bản quyền tác phẩm của tác giả khác. Chúng ta cần nghiêm túc, nghiêm khắc với những trường hợp “đạo văn”, nhưng đồng thời cũng cần có một cái nhìn nhân tình hơn, không vì đó mà vùi dập một con người hoặc làm cho nó đi quá mức cần thiết”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại chia sẻ./.