Chưa đầy 1 tháng trở lại đây, những lùm xùm xung quanh “nghi án đạo thơ” của hai nữ nhà thơ trẻ khiến các nhà chuyên môn và dư luận dậy sóng. Đến thời điểm hiện tại, sau những ồn ào tranh cãi, nhiều người ngoài cuộc có liên quan cũng đã lên tiếng với mong muốn sự thật được sáng tỏ, nhưng cả hai câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ, không một người trong cuộc nào thừa nhận mình “đạo thơ” của người khác.

Xin lỗi không phải vì “đạo thơ”

Trong bức thư gửi Hội Nhà văn Hà Nội ngày 20/10 vừa qua, nhà thơ Phan Huyền Thư đã xin lỗi về sự việc xung quanh bài thơ “Bạch Lộ” trong tập thơ “Sẹo độc lập” được cho là “cầm nhầm” bài thơ “Buổi sáng” (in trong tập Đếm cát - NXB Văn học xuất bản năm 2003) của tác giả Phan Ngọc Thường Đoan, đồng thời xin rút lại giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội đã trao cho tập thơ này năm 2015. 

Theo đó, lời xin lỗi của Phan Huyền Thư được gửi đến công chúng, độc giả, các nhà báo, và nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan vì “sự trùng lặp nội dung” hay “sự giống nhau của hai bài thơ này”. Tuy nhiên, nhà thơ Phan Huyền Thư vẫn khẳng định mình là tác giả của bài thơ “Bạch Lộ” kể từ năm 1996, và hiện đang cố gắng tìm kiếm các chứng cứ và văn bản thuyết phục nhất để bảo vệ cho tính hợp pháp về thời điểm sáng tác của bài thơ này.

tr05_moef.jpg
Bài thơ "Buổi sáng" của tác giả PN Thường Đoan và "Bạch Lộ" của tác giả Phan Huyền Thư.

Lời xin lỗi của nhà thơ Phan Huyền Thư rốt cuộc vẫn không phải vì “đạo thơ”, và chị cũng không nhận trách nhiệm về việc này. Việc này chưa thể dừng lại dù Hội Nhà văn Hà Nội đã quyết định thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư mà phải tiếp diễn cho đến lúc ngã ngũ ai là tác giả chính thức của bài thơ đó.

Cũng trong ngày 20/10, từ Brussels, Bỉ, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã gửi thư ngỏ xung quanh “nghi án đạo thơ” “Tổ quốc gọi tên” hồi đầu tháng 10 vừa qua. Trong thư, chị một lần nữa khẳng định mình là tác giả của bài thơ và có đủ bằng chứng để khẳng định quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ không khởi kiện ông Ngô Xuân Phúc vì đã “tố” mình. 

Trước đó, khi ông Ngô Xuân Phúc lên tiếng khẳng định bài thơ “Tổ quốc gọi tên” do ông viết năm 2008, Nguyễn Phan Quế Mai đã yêu cầu ông Phúc phải xin lỗi chị công khai trước 10/10, nếu không chị sẽ đưa vụ việc ra tòa. Ông Phúc tới nay không xin lỗi, cũng không đưa ra được căn cứ nào chứng tỏ mình sáng tác bài thơ.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và tập thơ "Tổ quốc gọi tên mình".

Như vậy, cả hai vụ việc, dù có hay không lời xin lỗi, sự thật ai mới là người “đạo thơ” vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Cần đi đến cùng!

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa ai có thể trả lời được câu hỏi bài thơ “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan và bài thơ “Bạch Lộ” của Phan Huyền Thư, tác phẩm nào được sáng tác trước? Cũng giống như bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”, tác giả thực sự là Nguyễn Phan Quế Mai hay Ngô Xuân Phúc? Những câu hỏi còn bỏ ngỏ, và dư luận vẫn phải đau đầu với những vụ việc đạo văn, thơ, vốn là vấn đề nhức nhối trong đời sống văn học từ xưa đến nay.

Sự thật như thế nào, công chúng, độc giả, cũng như tác giả chính thức của bài thơ không cần một lời xin lỗi chẳng đi đến đâu. Một trong hai người trong cuộc là người nói dối, bản thân họ đã không đủ dũng cảm để lên tiếng xin lỗi dư luận, xin lỗi độc giả và thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm “đạo thơ”. Tất cả những gì chúng ta đang nhìn thấy là sự loanh quanh, mơ hồ, và sự việc rất có thể sẽ lại lắng xuống khi mà mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Những lùm xùm xung quanh những “nghi án đạo thơ” vẫn sẽ lại diễn ra, khi mà chẳng ai nhận trách nhiệm về việc làm dối trá của mình?

Mỗi nhà văn, mỗi nhà thơ chắc cũng đều hiểu, điều tối kỵ trong sáng tác văn chương là không nên đi “vay mượn” tác phẩm của người khác. Việc “đạo thơ” đã không còn là chuyện hiếm. Nhưng trong điều kiện thế giới phẳng hiện nay, độc giả cũng không dễ “bị lừa”, khi mà việc phát hiện 2 tác phẩm giống nhau dù chỉ một câu cũng không còn là chuyện khó. Điều đáng nói, khi sự việc “vỡ lở”, độc giả và công chúng cần một thái độ thẳng thắn, rõ ràng từ phía người sai, chứ không phải một lời “xin lỗi” cho qua chuyện. Cần phải đi đến cùng để tác giả thật sự của bài thơ không bị xúc phạm, độc giả, công chúng không bị lừa dối./.