Hội thảo quốc tế “Dịch văn học: những vấn đề lý thuyết và các bài học kinh nghiệm” diễn ra tại Đại học KHXH&NV Hà Nội trong 2 ngày 27 và 28/10.
Hội thảo có sự tham gia của các dịch giả Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, các giáo sư Trần Đình Sử, Trần Ngọc Vương, Lê Huy Bắc, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên... và 4 khách mời là các giáo sư từ Đại học Aix Marseill, Pháp.
Mừng vì dịch thuật có dân chủ
“Không có bản dịch nào bất tử” - GS Noel Dutrait của Đại học Aix Marseill nêu ý kiến trong hội thảo. “Các bản dịch không ngừng được hiệu đính, phê bình, làm mới, có những tác phẩm được dịch nhiều lần với cách dịch khác nhau. Điều đó rất có lợi cho nền dịch thuật”.
GS Dutrait cũng nói lên thực tế vị trí của dịch giả trong nền văn học Pháp và thế giới nói chung: “Dịch giả cần khiêm tốn và đứng trong bóng tối. Giải Nobel cũng trao cho tác giả chứ chưa bao giờ trao cho dịch giả”. Mặc dù, công bằng mà nói, dịch thuật có đóng góp rất lớn trong các giải văn chương quốc tế. Nhiều khi, một tác phẩm được trao nhờ bản dịch xuất sắc.
Từ ý kiến của GS Dutrait, có thể thấy việc dịch lại một tác phẩm văn học ở Việt Nam, nhiều khi gây ra nhiều tranh cãi và hoài nghi về bản dịch trước đó, thực ra rất bình thường trong văn học thế giới. Một tác phẩm hay có nhiều bản dịch “cạnh tranh” nhau, tạo ra các cuộc tranh luận về đúng sai, cũng là tín hiệu tự do học thuật.
Về các cuộc tranh luận này, dịch giả Ngô Tự Lập nói: “Tôi thấy một đời sống dân chủ như vậy trong dịch thuật là rất tốt”. Còn thạc sĩ Đỗ Thị Hường, người có tham luận về trường hợp Lolita của nhà văn Nga Vladimir Nabokov, cho rằng không có bản dịch nào là vô giá trị, kể cả khi có nhiều sai sót thì bản dịch đó vẫn là nền tảng hoặc động lực để dịch giả khác làm ra bản dịch tốt hơn.
Dịch văn chương - nản chí nhưng đầy cám dỗ
“Đã đến lúc cần có cách ứng xử lý trí với các bản dịch văn chương ở Việt Nam chứ không dừng lại ở những đánh giá cảm tính như khó đọc hay không trôi chảy” - nhà phê bình Phạm Xuân Thạch nói về mục đích của những trao đổi nghề nghiệp trong hội thảo.
Hội thảo cũng vài lần đề cập đến khía cạnh dư luận từng quan tâm: phân định đúng sai cho các bản dịch. TS Phùng Ngọc Kiên nêu quan điểm: “Dịch văn chương luôn là sự vi phạm” và khẳng định “Sự hoàn hảo của một bản dịch là bất khả”. Mặc dù vậy, hội thảo không đưa ra cách đánh giá định lượng, chẳng hạn bản dịch sai sót tối đa bao nhiêu phần trăm thì được coi là đạt. Các cách đánh giá vẫn dừng lại ở định tính, nói về sức truyền tải khái quát của bản dịch.
GS Lê Huy Bắc còn gọi nghề dịch văn là công việc “nản chí”. “Đây là công việc sáng tạo, nhưng chỉ sáng tạo một phần, tiền không nhiều và dễ trở thành đề tài mạt sát của người khác. Tất thảy đó là đặc thù nản chí của nghề dịch. Nhưng sự nản chí đó lại có cám dỗ rất lớn với những ai muốn thử sức mình trước cánh cửa ngôn ngữ dẫn vào văn hóa và tâm thức của một con người, một cộng đồng”.
Nản chí nhưng cám dỗ, đó là nghịch lý mà những dịch giả tâm huyết vẫn coi là điều đương nhiên./.