Khác với những cuốn sách từng viết về chiến tranh trước đó, "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” đề cập vấn đề chiến tranh qua góc nhìn phụ nữ, thông qua lời kể của những nữ cựu binh quân đội Xô Viết từng tham gia cuộc chiến vệ quốc vĩ đại (của Nga) chống lại Đức quốc xã và các đồng minh trong chiến tranh Thế giới thứ hai.

vov_ds_ogfh.jpg
Sách "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ"

Từ những năm 70 của thế kỉ trước, nhà văn, nhà báo Svetlana Alexievich đã đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn và các khu dân cư làng mạc để ghi chép và phỏng vấn với hàng ngàn phụ nữ Liên Xô cũ. Họ là những người cứu chữa thương binh, những người cầm súng, những nhân viên dân sự, du kích, những bà mẹ hay cả những cô gái trẻ... Câu chuyện kể của họ là chất liệu giúp Svetlana viết nên cuốn sách. Chiến tranh trong ký ức của phụ nữ không phải là những chiến công anh hùng mà được kể bởi những câu chuyện hết sức riêng tư.

“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là cuốn sách khởi đầu cho một chuỗi tác phẩm viết về chiến tranh giúp Svetlana Alexievich giành giải thưởng Noben Văn học 2015. Sau tác phẩm này, bà còn viết nhiều sách về đề tài chiến tranh: “Những nhân chứng cuối cùng” (1985) viết về cái nhìn của trẻ em và phụ nữ về chiến tranh thế giới thứ hai, “Cuốn Quan tài kẽm” (1989) viết về mặt trái chiến tranh Afghanistan, “Tiếng vọng từ Chernobyl” (xuất bản 1997) phơi bày nỗi kinh hoàng của người làm công việc dọn dẹp phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl (Ukraine)…/.