Những khó khăn, thách thức mà ngành xuất bản truyền thống phải đối mặt trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ như hiện nay đã được chỉ ra tại buổi tọa đàm với chủ đề: "Cách mạng công nghiệp 4.0-Thách thức hay cơ hội đối với ngành xuất bản" diễn ra chiều qua 9/3 tại Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng cho rằng, ngành xuất bản truyền thống phải tận dụng sự phát triển công nghệ vào việc đọc sách, cũng như thúc đẩy xuất bản phẩm trên nền tảng số.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm. |
Trong những năm gần đây, ngành xuất bản Việt Nam ngày càng tụt hậu so với nhiều nước trong cùng khu vực Đông Nam Á. Thực trạng phát triển manh mún, thiếu chiến lược tổng thể đang khiến thị trường sách khó nâng cao chất lượng sản phẩm. Trung bình các nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành sách, năng lực sản xuất chỉ đáp ứng được 30% số lượng bản thảo được gửi đến, chưa kể hàng trăm công trình nghiên cứu, tác phẩm có giá trị vẫn còn đang bỏ ngỏ mà chưa được giới thiệu với công chúng.
Ngoài ra, trong ngành xuất bản tồn tại khá nhiều khó khăn như: các đơn vị làm sách chạy theo những dòng sách ăn khách, dẫn đến tình trạng bội thực sách, gây hiệu ứng ngược, thiếu sát sao, kiểm tra biên tập các xuất bản phẩm do mình thực hiện. Mảng sách điện tử cũng suy giảm nghiêm trọng khi năm 2017, số sách ebook được đăng ký chỉ có 137 tên sách... Nhiều nhà xuất bản không có lãi, làm ăn thua lỗ trong nhiều năm.
Ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn. |
Bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, ngành xuất bản thế giới đang có bước chuyển mình đầy mạnh mẽ sang môi trường Internet, điện tử với nhiều nền tảng xuất bản công nghệ như Smashword, Amazon Kindle, Joomag...
Ngành xuất bản Việt cũng bắt đầu nhen nhóm một số nền tảng ứng dụng công nghệ phục vụ cho văn hóa đọc như iPub. Những ứng dụng này ra đời giúp cho các tác giả không còn phải chờ đợi thụ động phản hồi của nhà xuất bản, nhà phát hành đối với tác phầm của mình. Các tác giả cũng không còn phải đợi thông báo từ nhà xuất bản, nhà phát hành về lượng bán, doanh thu tiêu thụ sách. Đặc biệt, họ cũng không còn cảm giác đang một mình bước đi trên con đường viết lách và chia sẻ kiến thức, trải nghiệm của mình.
Bằng việc ứng dụng công nghệ số, 80% các bản thảo có cơ hội xuất bản và gửi đến bạn đọc một cách nhanh chóng. Công cụ này cũng được kỳ vọng sẽ giúp kết nối, hỗ trợ hoạt động xuất bản điện tử, tối giản và minh bạch các quy trình xuất bản, giúp ngành xuất bản Việt Nam bắt nhịp kịp thời với xu thế 4.0./.
Xử lý nghiêm sai phạm trong công tác xuất bản
430 triệu bản sách đã được xuất bản trong năm 2018