Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 1/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về việc độc quyền xuất bản SGK.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản hiện hành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được giao xuất bản sách giáo khoa. Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thêm 5 nhà xuất bản được tham gia xuất bản sách giáo khoa và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép.
Về tỷ lệ chiết khấu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Sách giáo khoa là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20% -25% thấp hơn mức trung bình so với tỉ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35%- 40%”.
Độc quyền sách giáo khoa là một trong những biểu hiện của tiêu cực trong giáo dục. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện nay, cùng với độc quyền sách giáo khoa, thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục.
Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tập trung chấn chỉnh tình trạng “ép” may đồng phục, “ép” mua sách. Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo nhưng về sách chưa có chuyển biến rõ như với đồng phục. Bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn. Những nơi vi phạm cần xử lý nghiêm. Các ý kiến phát biểu, chất vấn của một số Đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa trong một số phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gần đây là xác đáng. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản báo cáo, giải trình rõ./.
Cấm học sinh viết vào sách giáo khoa có phù hợp?
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về sử dụng sách giáo khoa
NXB Giáo dục Việt Nam: Đã khuyến cáo, học sinh vẫn viết vào sách giáo khoa
Sách giáo khoa dùng một lần: Chỉ khổ cha mẹ học sinh