Sau hơn nửa thế kỷ từ lần đầu xuất bản, tiểu thuyết “Bất khuất” của nhà văn Lê Phương vừa được tái bản. Nhà xuất bản Lao Động phối hợp với nhà văn Lê Phương và Công đoàn Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã có một việc làm thiết thực kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đọc được tin tái bản cuốn sách trên báo điện tử VOV.VN, bạn Trương Anh Ngọc (Ninh Bình) bày tỏ: Cuốn sách này tôi đọc từ hồi còn trẻ. Chắc lúc đó 16-17 tuổi. Đọc ham mê lắm… Còn nhà văn Triệu Xuân (cựu sinh viên k14 khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội) thì cho biết: Tôi được đọc tiểu thuyết “Bất khuất” của Lê Phương khá sớm, khi sách vừa ra lò. Cuốn sách là phần thưởng của Ty Giáo dục Hải Dương tặng học sinh giỏi thời ấy… Cả hai đều hoan nghênh việc tái bản cuốn tiểu thuyết này.

dsc01276_mamk.jpg
Nhà văn Lê Phương.

Cũng phải thôi, xuất bản thành 2 tập vào khoảng 1964 -1965, tiểu thuyết “Bất khuất” đã có cuộc sống hơn nửa thế kỷ. Những người trai trẻ được đọc cuốn sách thời ấy, nay cũng đã xấp xỉ 70 – 80 tuổi. Mấy thế hệ công nhân mỏ, mấy thế hệ bạn đọc đã không còn biết đến tiểu thuyết “Bất khuất” của Lê Phương.

Bởi thế, hôm 20/6/2019 khi được dự cuộc giới thiệu “Bất khuất”, kẻ viết bài này xúc động cầm trên tay cuốn sách (hai tập dồn thành một) in trên giấy tốt, bìa cứng, trang bìa trình bày khá ấn tượng và nhớ hai lần đọc cuốn tiểu thuyết, lần đầu khi còn đang học phổ thông, lần hai khi đang học đại học, phải vào Thư viện Quốc gia trên phố Tràng Thi (Hà Nội) tìm đọc. 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, vẫn nhớ tên một vài nhân vật, một vài chi tiết có trong cuốn sách và nhớ đinh ninh một điều: Đây là một cuốn sách hay viết về truyền thống đấu tranh bất khuất của công nhân vùng mỏ than Đông Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng những năm 1930 của thế kỷ trước. Mà đỉnh cao là tháng 11/1936. Hơn nửa thế kỷ sau, đọc lại. Vẫn thấy bồi hồi, xúc động.

Phần I của cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” giới thiệu toàn cảnh vùng mỏ than Đông Bắc tháng 11/1936. Sau cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931, Pháp khủng bố trắng phong trào cách mạng, cơ sở Đảng ở vùng than Đông Bắc bị phá, bọn chủ mỏ người Pháp đã 4 lần giảm lương của thợ mỏ. Cuộc sống của người thợ mỏ, của người vùng than lâm vào bước đường cùng. Người thợ mỏ bị bóc lột đến tận xương tuỷ không biết kêu ai. Gia đình những người thợ mỏ bị đầy đọa: con gái lớn bị làm nhục, con trai lớn bán thân đổi mấy đồng xu trong hầm lò, không biết sống chết lúc nào. Người nào liều lĩnh trở thành “tướng cướp”, ai ươn hèn khuất thân làm tay sai cho chủ mỏ.

Cuốn tiểu thuyết "Bất khuất"

Đã đến lúc phải đấu tranh giành quyền sống cho mình nhưng đấu tranh như thế nào? Khẩu hiệu ra sao? Làm sao bắt liên lạc được với tổ chức Đảng? Bác Nhỡ, một cán bộ Đảng còn sót lại sau khủng bố trắng cùng mấy công nhân trong Công hội đỏ trăn trở tìm đường. Cuối cùng mọi người quyết định cứ đấu tranh với hình thức đơn giản nhất “nghỉ buổi ở nhà để xin Sở Mỏ cho anh em vay tiền đầu tháng” để từ đó tổ chức Đảng tìm đến. “Chim không bay sao nhập được đàn?”.

Cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân mỏ khu vực Cẩm Phả giành thắng lợi. Những công nhân cốt cán bước đầu được giác ngộ. Bắt được tín hiệu của cuộc đấu tranh, thành uỷ Hải Phòng cử người về bắt mối liên lạc với Tuệ, một cán bộ của Đảng vừa thoát khỏi nhà tù Côn Đảo bị địch “giam lỏng” tại địa phương. Tuệ bắt mối với bác Nhỡ.  Cũng từ đấy, phong trào cách mạng ở vùng than Đông Bắc lớn mạnh dần, phát triển không những ở Cẩm Phả mà còn lan sang Hồng Gai – Mông Dương…và toàn bộ vùng mỏ than Đông Bắc. 

Chỉ qua mấy cuộc đấu tranh, Đảng đã thành lập được hai chi bộ ở vùng than Cẩm Phả và Hồng Gai, tổ chức Công hội đỏ được khôi phục, có nhiều thành viên cốt cán trong công nhân lao động tham gia, lôi kéo được một bộ phận dân nghèo ỏ vùng mỏ, kể cả vùng dân tộc thiểu số và bà con làm nghề trên biển, một số tiểu thương, viên chức trong bộ máy cai trị của Pháp.

Đánh giá về phong trào công nhân vùng mỏ than Đông Bắc thời gian này, trong cuốn “ Lịch sử Việt Nam “ (nhà xuất bản Khoa học xã hội – Hà Nội 2017) tập 9 chương IV (trang 433 và 434) nêu rõ, “Những tháng cuối năm 1936 đã có những cuộc bãi công lớn chưa từng thấy, với sự tham gia của hàng nghìn, hàng vạn công nhân của một cơ sở, của nhiều cơ sở trong cùng một ngành hay liên ngành, cùng một khu vực hay liên khu vực có tổ chức và phương pháp hẳn hoi. Có thể lấy làm ví dụ là cuộc tổng đình công của 30.000 thợ mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, bắt đầu từ cuộc bãi công của gần 10.000 công nhân Cẩm Phả vào ngày 13/11/1936”. 

Nhà văn Lê Phương ký tặng các độc giả đầu tiên của cuốn tiểu thuyết "Bất khuất" in lần thứ 2. Bên cạnh là ông Hoàng Tuấn Dương, người đã dẫn Lê Phương thâm nhập thực tế vùng mỏ.

Vẫn theo cuốn “Lịch sử Việt Nam” tập 9 trang 434, “Phong trào bãi công mạnh mẽ của công nhân vào cuối năm 1936 đã có tác động thúc đẩy nhanh việc (người Pháp - Thanh Vũ) ban hành Nghị định Toàn quyền ngày 11/10/1936 về chế độ giờ làm (ngày làm 8 tiếng - Thanh Vũ) và Thông tư Toàn quyền ngày 17/12/1936 yêu cầu chủ xí nghiệp tăng lương đồng loạt 20% cho những người ăn lương công nhật dưới 5 hào và 11% cho những người lương dưới 1 đồng”.

Sau này, Đảng quyết định lấy ngày 12/11 hằng năm là “Ngày truyền thống công nhân mỏ”, còn được gọi với một cái tên khác “Ngày vùng mỏ bất khuất” và có lẽ, tên gọi cuốn tiểu thuyết của Lê Phương bắt nguồn từ đấy. Nhưng điều gì đã làm nên truyền thống “vùng mỏ bất khuất”?

Trong đêm đen ách cai trị của bọn thực dân Pháp, những người công nhân mỏ được sự giác ngộ của lý tưởng cách mạng, đã đi từ những cuộc đấu tranh “tự phát” sang “tự giác”. Họ hiểu muốn cải thiện được đời sống, muốn bảo vệ được gia đình vợ con không thể chỉ dừng lại ở những hành động bột phát như chém xả vai bọn cai ác mà phải đoàn kết lại trong một tổ chức, cùng thống nhất hành động và đã đi là đi tới cùng. 

Từ những cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, sang cuộc chiến đấu giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, họ hiểu dấn thân vào con đường đấu tranh là phải gồng lưng lên chống lại đòn roi khủng bố của kẻ thù, có thể người mất, nhà tan… Những người thợ mỏ như Bỉnh, như Nùng, Đức, Tống…sẵn sàng xông lên trước họng súng và lưỡi lê của kẻ thù để đấu tranh, bảo vệ những người bạn cùng chí hướng với mình. Cuộc đấu tranh của họ, gương đoàn kết chiến đấu, dũng cảm quên mình của họ đã thức tỉnh những tấm lòng yêu  nước của những người dân vùng mỏ, ở cả trên rừng và dưới biển, kể cả tầng lớp “dưới đáy xã hội”, thức tỉnh cả một bộ phận những viên chức trong bộ máy cai trị của chủ Pháp, hướng họ hoà vào cuộc đấu tranh chung.

Từng trang, từng trang của tiểu thuyết “Bất khuất” mô tả cuộc đấu tranh ấy, mô tả những con người ấy, chi tiết trong từng ngày, từng ngày của hai cuộc đấu tranh lớn ở hai vùng than Cẩm Phả và Hồng Gai.

Nhà văn Lê Phương và bạn bè trong dịp ra mắt cuốn " Bất khuất" in lần thứ hai.

Nhà văn Lê Phương có cái may mắn đầu những năm 1960 sớm có những hiểu biết về cuộc đấu tranh của công nhân vùng mỏ than Đông Bắc. Ông đi xuống vùng mỏ, cùng ăn, cùng ở với những người thợ mỏ đã tham gia các cuộc đấu tranh ngày ấy. 

Bản thảo “Bất khuất” viết xong, ông gửi xuống, nhờ những nhân chứng sống thẩm định. Trong bức thư ngày 19/8/1964 gửi nhà văn Lê Phương nhân được đọc bản thảo hai cuốn sách, ông Nguyễn Văn Nhỡ, một nhân vật được nêu trong tiểu thuyết, viết:  "Vào khoảng đầu tháng 8 vừa rồi, khi tôi sắp sửa biên thư cho đồng chí, bọn đế quốc Mỹ gây sự bắn phá Hồng Gai. Và chúng đã bị con cháu của những người thợ mỏ trong truyện của đồng chí đánh cho một trận tơi bời. Chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta ngày mồng 5/8 vừa rồi gợi cho tôi suy nghĩ mãi về truyền thống bất khuất của vùng mỏ, điều mà đồng chí đã cố gắng phản ánh trong mấy trăm trang sách của mình. Có hiểu truyền thống lâu đời đó của khu mỏ thì mới thấy hết những ý nghĩa sâu xa và tất yếu của chiến thắng ngày mồng 5/8 vừa rồi".

Bức thư của ông Nguyễn Văn Nhỡ đã được in trong phần cuối của cuốn tiểu thuyết “Bất khuất”.

Lịch sử hình thành vùng mỏ, lịch sử đấu tranh của công nhân mỏ rất phong phú. Lê Phương chỉ lựa chọn một quãng thời gian tiêu biểu, chính thức là từ ngày 11/11/1936 cho đến khi cuộc tổng bãi công của công nhân vùng mỏ Hồng Gai – Mông Dương kết thúc thắng lợi vào cuối năm 1936.

Trong hơn 600 trang in (khổ 13,5x20,5cm) ông khắc hoạ chân dung từng nhân vật tiêu biểu trong cuộc đấu tranh của công nhân mỏ ngày ấy: cặp đôi Bỉnh - Tầm, Tuệ - Mùi, Nùng - Nhi, các thợ mỏ như Tống, Đức, các cán bộ Đảng như Nhỡ, Phúc, Mạnh - phóng viên tờ báo Lao động (Le Travail) từ Hà Nội xuống, các viên chức như “Ngôn thợ gõ”, giáo Chinh… Ông cũng phác hoạ bộ mặt của bọn cai trị vùng mỏ, từ “quan đại lý” Va-vát-xơ, chánh mật thám Gian-nanh, thống sứ Tô-lăng-sơ …đến bọn tay sai người Việt như tuần phủ Quảng Yên Nguyễn Văn Đào, bố chánh Cung Đình Vận…

Những nhân vật này lần lượt xuất hiện trong phần I của cuốn tiểu thuyết để phần II và III của cuốn sách Lê Phương tập trung miêu tả chi tiết diễn biến của các cuộc đấu tranh, sự trưởng thành, sự giác ngộ của những người thợ mỏ trước các thủ đoạn đối phó thâm hiểm, ác độc của bọn thống trị.

Đến hôm nay, bạn đọc trẻ tuổi có thể thắc mắc rằng sao một số suy nghĩ của người thợ mỏ giác ngộ “sách vở thế”? Cũng như bọn chủ mỏ “hiền thế”?

Xin nói rằng người thợ mỏ ngày ấy hầu hết là mù chữ, sự hiểu biết rất hạn chế. Họ khao khát tìm lối thoát cho cuộc sống của mình. Cho nên khi được giác ngộ, cả trí óc và tâm hồn của họ đều sống theo cái chính nghĩa của cuộc đấu tranh, đều sống theo lý tưởng của Đảng. Mà ngày ấy, bằng những lời lẽ giản dị, dễ nhớ, đi thẳng vào lòng người, Đảng ta chính là đã thành công trong sự nghiệp tổ chức quần chúng thành phong trào đấu tranh, để sau này với 5.000 đảng viên, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Sức mạnh tuyệt đối của Đảng chính là ở sự giác ngộ lý tưởng cách mạng của quần chúng nhân dân.

Còn bọn chủ thực dân ở vùng mỏ? Năm 1936 là năm phong trào đấu tranh ở nước Pháp chống chủ nghĩa phát xít lên cao. Mặt trận dân chủ Pháp được thành lập. Dù muốn hay không thì tại Đông Dương, thực dân Pháp cũng buộc phải nới lỏng ách kìm kẹp, thi hành một số chính sách “an dân”. Chính là lợi dụng thời cơ ấy mà Đảng ta đẩy mạnh việc giác ngộ quần chúng, thúc đẩy đấu tranh dưới khẩu hiệu “dân sinh dân chủ”, là bước tập dượt cho công cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền những năm sau đó.

Những người lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân mỏ, bám sát những nguyên tắc chỉ đạo cuộc đấu tranh, khôn khéo đánh vào chỗ yếu của kẻ địch. Đồng thời, tranh thủ được dư luận cả nước ủng hộ. Đặc biệt là khi  cuộc đấu tranh đã lên đến cao trào, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ trước tinh thần bất khuất của những người thợ mỏ. 

Vì thế, dù đã huy động cả lính sen đầm, lính bộ binh, tầu chiến… dàn trận đối phó nhưng bọn chúng đã không dám nổ súng bắn thẳng vào những người biểu tình.

Phần III của cuốn “Bất khuất” chính là thiên anh hùng ca về cuộc đấu tranh  lên đến đỉnh cao của công nhân vùng mỏ than Đông Bắc.

Tiểu thuyết “Bất khuất” của Lê Phương ra đời trong giai đoạn “ được mùa” của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại những năm sau hoà bình lập lại ở miền Bắc nước ta. Ông đã mang toàn bộ khí thế phơi phới của cả thời đại vào trong trang viết của mình. Từng cặp đôi nhân vật sống với nhau, tác động lẫn nhau. Anh thợ lò ngang tàng Bỉnh khi được giác ngộ, kéo theo sự giác ngộ của Tầm - vợ của một bạn lò, người đã chịu bao đắng cay vì nhan sắc của mình: chồng bị giết, bản thân bị lôi kéo vào một cuộc sống nhớp nhúa, may mắn thoát ra được.

Tuệ, người tù Côn Đảo trở về đất mỏ đúng hôm Mùi, người vợ thương yêu của mình, sau mấy năm có tin Tuệ chết, nhận lời lấy đội Tình. Cuộc đấu tranh của công nhân mỏ mà Tuệ góp phần tổ chức đã cảm hoá được Mùi – cô hàng bán gạo. Cô đã đem hết số tiền của mình dành dụm được, mua gạo bán cho những người bãi công, bất chấp sự đe doạ của bọn tay chân chủ mỏ. Trong hạnh phúc tái hợp, Tuệ và Mùi được Đảng cử đi tổ chức phong trào ở nơi khác.  

Không được nhắc nhiều, nhưng sự hồn nhiên đi đến cuộc đấu tranh của thợ mỏ Nùng và cô gái mới lớn Nhi đã làm nảy nở giữa hai người một tình yêu trong sáng. Rồi Sáu, một cô gái buôn chuyến, ngày nhận lời lấy Phúc, một cán bộ Đảng, cũng là ngày cô tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh.

Nói như các nhà lý luận, Lê Phương đã thực hiện “phép biện chứng của tâm hồn” đối với những nhân vật của mình. Phép biện chứng ấy, nếu không có cái phơi phới của một thời đại anh hùng sẽ không có được.

Trong từng trang của cuốn tiểu thuyết bỗng chốc hiện lên từng địa danh, từng cái dốc phố, từng tầng than, từng khu mỏ, từng hầm lò của mỏ than Đông Bắc. Vàng Danh, Uông Bí, Cẩm Phả, Hồng Gai, Hà Tu, Hà Lầm, Mông Dương. Cọc 5, nhà máy điện, nhà máy cơ khí với những cái tên giờ chỉ còn trong dĩ vãng đã sống động trở lại. Tôi ao ước có dịp trở lại vùng mỏ, tìm đến chỗ là nguyên mẫu của “quán bà bếp Leng Kenh” - nơi nhen nhóm các tỉa lửa đấu tranh cùng lần lượt đi theo đoạn đường cắt rừng vượt bể để đến với những người cùng khổ của những người cộng sản thời ấy.

“Bất khuất” chẳng những là “thiên anh hùng ca” về cuộc đấu tranh của những người thợ mỏ mà còn là một cuốn dư địa chí về vùng mỏ những năm 30 của thế kỷ trước. Giá mà khi tái bản cuốn tiểu thuyết, những người biên tập dày công cho in một tấm bản đồ đối chiếu những địa danh nêu trong sách với thực địa hôm nay thì quý biết bao.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Lãnh đạo Tập đoàn than Việt Nam cử cán bộ đi tìm gặp những người đã tham gia vào cuộc đấu tranh tháng 11/1936 của công nhân mỏ. Có 47 người còn sống ỏ vùng mỏ. Ngày 20/6/2019, trong buổi ra mắt cuốn “Bất khuất” được tái bản, ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Đảng uỷ than Quảng Ninh, người đã dẫn nhà văn Lê Phương đi thâm nhập thực tế năm xưa, cho biết nay chỉ còn một cụ.

Những người xưa đã khuất bóng rồi nhưng vẫn còn đó “núi Bài Thơ", nơi  đầu tiên treo ngọn cờ đỏ búa liềm trên đất mỏ. Vẫn còn đó quảng trường của vùng than hôm nay, nơi gần một thế kỷ trước, những người thợ mỏ từ các tầng than, các hầm lò, cùng vợ chồng con em của họ, tham gia vào cuộc tổng đình công lớn nhất xứ Đông Dương thời ấy, làm nên truyền thống  “bất khuất” của những người thợ mỏ.

Và còn đây, cuốn tiểu thuyết “Bất khuất”./.