Lễ hội điện Huệ Nam bắt đầu bằng hoạt động cung nghinh Thánh Mẫu của Hội đồng Tứ phủ trên đường bộ, hơn 400 người xuất phát từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo về Nghinh Lương Đình. Hoạt động này tái hiện lễ hội hóa trang dân gian quy mô lớn, phô diễn nét độc đáo của những trang phục xưa nhiều màu sắc, kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của tín ngưỡng Thờ Mẫu- tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tôn thờ các nữ thần và đề cao vai trò của người phụ nữ.
Anh Nguyễn Hữu Cảnh, một tín đồ ở tỉnh Quảng Nam tham gia cho biết: “Là một người con của đất Việt, cá nhân em tự hào, đó là một niềm vinh dự về với đất mẹ Thánh mẫu. Tôn thờ đạo mẫu của mình, một nét đẹp của người Việt. Đạo nào thì cũng phải dạy mình con người làm tốt, làm đúng đời đẹp đạo và phải có tâm, có đức.”
Nét đặc sắc của Lễ hội Điện Huệ Nam là hoạt động rước Thánh bằng thuyền trên sông Hương. Đoàn thuyền xuất phát từ Nghinh Lương Đình, theo dòng sông Hương lên thượng nguồn đến Điện Huệ Nam. Hoạt động có sự tham gia của hàng chục chiếc thuyền Rồng, bên trong đặt long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong cùng các vật thờ cúng như tán, tàn, cờ, quạt. Ngoài ra, còn có đội hầu bóng, những người phục dịch và đông đảo khách hành hương đi theo. Lễ hội Điện Huệ Nam còn có các hoạt động độc đáo khác như: Lễ Chánh tế cầu nguyện Quốc thái dân an và Lễ Hoàn tạ…
Lễ Hội Điện Huệ Nam là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng Ba và tháng Bảy hàng năm, thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: do ảnh hưởng của mưa lũ, Ban tổ chức đã điều chỉnh lùi thời gian 2 ngày và rút ngắn việc tổ chức lễ hội xuống còn 1 ngày.
Ông Hải nói: “Năm nay, điểm đặc biệt nhất là kể từ năm 1971 chúng ta mới tổ chức lễ cung nghinh rước Thánh mẫu từ trên đường bộ và từ thánh đường của đạo Thiên Tiên Thánh giáo số 352 Chi Lăng đến Nghinh Lương đình. Với quãng đường hơn 3km này có hơn 400 người tham gia, tạo nên một điểm nhấn rất đặc biệt. Một hình thức của lễ hội cộng đồng, sự tham gia của đạo hữu, của thánh đồng vô cùng phấn khởi"./.