Tờ SCMP đưa tin Cục Văn hoá và Du lịch thành phố Bắc Kinh đã ban hành văn bản yêu cầu các công ty quản lý đại diện cho những nghệ sĩ dưới 18 tuổi phải đảm bảo rằng các nghệ sĩ hoàn thành 9 năm học bắt buộc và không để "trẻ vị thành niên hiểu lầm" vào những niềm tin như "trở nên nổi tiếng khi còn trẻ".

Cơ quan này cũng yêu cầu cấm trẻ vị thành niên tham gia các hoạt động và mua sản phẩm ủng hộ thần tượng, đồng thời cấm các chương trình biểu diễn của bất cứ nghệ sĩ nào vi phạm pháp luật hoặc vi phạm "các giá trị đạo đức". Các quy định mới này nhằm "giáo dục đạo đức" tốt hơn cho giới nghệ sĩ, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt quản lý người nổi tiếng cùng cộng đồng người hâm mộ.

"Thay vì dùng chiêu trò để tăng độ nhận diện, hãy phấn đấu trở thành những người làm văn học nghệ thuật có uy tín cả về chuyên môn và đạo đức", Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Bắc Kinh nhấn mạnh.

Vào tháng 9, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, cơ quan quản lý truyền thông hàng đầu của Trung Quốc đã đưa ra văn bản về việc cấm các ngôi sao cư xử thiếu đạo đức hoặc sao nam ẻo lả, nữ tính. 

Trong bối cảnh thần tượng và người hâm mộ ngày càng trẻ hóa trong những năm gần đây, Trung Quốc tỏ ra lo ngại về người hâm mộ quá khích và những người nổi tiếng đạo đức kém và cư xử thiếu văn minh. 

Hiện nay, các cuộc thi tìm kiếm tài năng, một hình thức phổ biến trong đó những người trẻ tham gia cạnh tranh để trở thành thần tượng, đã và đang gửi đến những người trẻ "ý tưởng sai lầm" là đạt được sự nổi tiếng sớm trong đời.

Panda Boys, nhóm nhạc nam trẻ nhất Trung Quốc gồm 7 học sinh tiểu học từ 7-11 tuổi, đã bị buộc phải tan rã chỉ 4 ngày sau khi ra mắt vào tháng 8 sau khi hứng chịu nhiều chỉ trích vì độ tuổi của các thành viên. 

Các nhà chức trách Trung Quốc đã chỉ trích ngành giải trí, nơi xảy ra ​​một loạt vụ bê bối liên quan đến trốn thuế và tấn công tình dục kể từ đầu năm, vì "gây ô nhiễm nghiêm trọng bầu không khí xã hội"./.