Ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc chao đảo sau một loạt quy định nghiêm ngặt, chấn chỉnh văn hóa hâm mộ thái quá, các ngôi sao vi phạm đạo đức, các chương trình tuyển chọn thần tượng và phim truyền hình có các nam nghệ sĩ "nữ tính".
Tờ SCMP nhận định, có vẻ ít nghệ sĩ an toàn trước các quy định mới của Chính phủ. Những nghệ sĩ vi phạm nhanh chóng bị xử lý nghiêm khắc, trước hết là cấm ngôn trên mạng xã hội, nếu bị vi phạm nặng sẽ bị xoá tên khỏi các tác phẩm, giải thưởng đôi khi thậm chí toàn bộ sự hiện diện trên internet của họ bị xóa sổ chỉ sau một đêm.
Thời gian qua, danh sách nghệ sĩ bị xử lý đều là những cái tên đình đám của làng giải trí Hoa Ngữ như ngôi sao truyền hình Trương Triết Hạn, nữ diễn viên kiêm người mẫu Trịnh Sảng, ca sĩ Hoắc Tôn, ngôi sao nhạc rap Ngô Diệc Phàm và MC đài truyền hình Hồ Nam Tiền Phong.
Cựu phóng viên giải trí của Oriental Daily, Chu Kỳ Duệ, người có 6 triệu người hâm mộ kênh C-pop trên Douyin (TikTok của Trung Quốc) cho biết ngành công nghiệp này đã trở thành nơi mà bất kỳ sai lầm nào, dù phạm phải ở hiện tại hay trong quá khứ, đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
“Bất kỳ ai nắm được tin tức bây giờ đều có thể dễ dàng thu hút sự giám sát của công chúng và cơ quan quản lý trong bầu không khí căng thẳng như vậy. Nhiều phim, chương trình truyền hình có nội dung liên quan đến các quy định mới đều bị rút khỏi lịch trình phát hành như phim đam mỹ (tình yêu nam - nam) "Hạo y hành" cũng rơi vào tình trạng này" - Chu Kỳ Duệ cho biết.
Lệnh cấm diễn ra sau khi Trần Phi Vũ (nam chính của Hạo y hành, con trai đạo diễn nổi tiếng Trần Khải Ca) tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ để lấy hộ chiếu Trung Quốc vào tháng 7. Là một trong những ngôi sao đầu tiên của showbiz Hoa ngữ tuyên bố chọn “chủ nghĩa dân tộc”, phim do nam diễn viên và La Vân Hi đóng chính vẫn bị cấm cửa.
Theo SCMP, các nhà quản lý Trung Quốc đã ra quy định cấm các nghệ sĩ nam theo đuổi hình tượng nữ tính, ẻo lả, trang điểm kỹ lưỡng, thẩm mỹ lệch lạc. Điều này thuộc chính sách mới 8 điểm được Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc công bố liên quan đến các chương trình nghệ thuật, giải trí và các nhân sự liên quan.
Điểm một nêu rõ rằng các nền tảng phát thanh, truyền hình và internet không được tuyển dụng những nghệ sĩ giải trí có quan điểm chính trị không chính xác, vi phạm luật và quy định, nói hoặc hành xử trái với trật tự và đạo đức công cộng. Danh sách này cũng cấm các chương trình tuyển chọn thần tượng, các chương trình có sự tham gia của con cái những người nổi tiếng và thù lao "trên trời" của các ngôi sao.
Tuy nhiên, một số nhân vật nổi tiếng bị cấm hoạt động không hề vi phạm từ khi ban bố lệnh cấm. Họ bị xử lý vì những hành động và phát ngôn trong quá khứ.
“Triệu Vy, người đã bị xoá tên khỏi mạng internet Trung Quốc vào tháng trước, là một trong những ngôi sao như vậy. Hình phạt mà cô ấy nhận được bây giờ là do những sai phạm tài chính trong quá khứ của cô ấy", Chu Kỳ Duệ nói, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc thanh lọc ngày càng mở rộng đang khiến toàn bộ ngành công nghiệp lo lắng.
Năm 2017, Triệu Vy và chồng đã bị cấm tham gia thị trường chứng khoán Trung Quốc trong 5 năm vì những bất thường được phát hiện sau khi công ty của cả hai thất bại trong cuộc đấu thầu mua lại một công ty hoạt hình ít người biết đến. Vào năm 2001, nữ diễn viên "Hoàn châu cách cách" từng bị tẩy chay, lên án và phải xin lỗi công chúng sau khi mặc thiết kế có cờ Nhật Bản thời chiến trong một buổi chụp hình thời trang.
Trương Triết Hạn, nam diễn viên đang lên thuộc công ty quản lý của Triệu Vy đã đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo vào năm 2018. Ngôi đền này là nơi tưởng niệm những người chết trong chiến tranh của Nhật Bản, bao gồm cả tội phạm chiến tranh, là một biểu tượng rất nhạy cảm và mạnh mẽ về di sản thời chiến của Nhật Bản và là điểm nhấn cho căng thẳng ở Đông Á, đặc biệt là với Trung Quốc. Trương Triết Hạn ngay lập tức bị loại khỏi ngành công nghiệp giải trí của đất nước.
Theo Tân Hoa Xã, một nhân vật khác gần đây đã bị trừng phạt vì những hành động trong quá khứ là nhà văn và người dẫn chương trình trò chuyện Cao Hiểu Tùng. Năm 2016, Cao Hiểu Tùng phát ngôn nhạy cảm về chính quyền. Ngoài ra, việc hạ nhục văn hóa quốc gia, dính líu các vụ rửa tiền là nguyên nhân khiến Cao Hiểu Tùng bị loại khỏi làng giải trí.
Khi cuộc thanh lọc giới giải trí mở rộng, các ngôi sao mang hai quốc tịch Trung Quốc và nước ngoài bị đặt dưới sự giám sát của công chúng. Trong khi kế hoạch 8 điểm không nêu bất cứ điều gì về việc giữ hai quốc tịch, chuyên gia Lý Thu Hàn nói rằng vấn đề này liên quan đến chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, điều mà đối với một số bộ phận công chúng Trung Quốc, luôn gây nhức nhối.
“Những nghệ sĩ có quốc tịch nước ngoài bị xem là đạo đức giả, hoạt động ở Trung Quốc chỉ để kiếm tiền. Họ thường là đối tượng bị dư luận kêu gọi tẩy chay. Công chúng và giới truyền thông cổ vũ, ủng hộ người từ bỏ quốc tịch nước ngoài, nâng họ lên làm hình mẫu”, Lý Thu Hàn nói.
Những ngôi sao gốc Hoa mang quốc tịch nước ngoài nhưng hoạt động mạnh ở Trung Quốc bị gọi tên là Lưu Diệc Phi (quốc tịch Mỹ), Lý Liên Kiệt và Củng Lợi (quốc tịch Singapore).
Giữa lúc công chúng lên tiếng kêu gọi nghệ sĩ nên thể hiện lòng yêu nước, nam diễn viên kiêm ca sĩ Hong Kong Tạ Đình Phong đã trả lời đài truyền hình quốc gia CCTV rằng anh đang nộp đơn xin từ bỏ quốc tịch Canada. “Tôi đọc một số bình luận về bộ phim Nộ hỏa và nhận thấy có nhiều người nói tôi là người Canada. Tôi đã nộp đơn từ bỏ quốc tịch Canada và luôn là người Trung Quốc”, bạn trai diva Vương Phi chia sẻ.
Trước Tạ Đình Phong, ngôi sao võ thuật Chân Tử Đan cho biết anh đã từ bỏ quốc tịch Mỹ vào năm 2009. “Tôi có 100% quốc tịch Trung Quốc. Tôi coi thường những người nói rằng họ là người Trung Quốc nhưng trái tim của họ lại hướng về phương Tây ”, Chân Tử Đan chia sẻ.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ hợp tác với thương hiệu phương Tây cũng bị soi xét. Công chúng nước này cho rằng đại diện cho các thương hiệu phương Tây là xúc phạm Trung Quốc cũng khiến các ngôi sao Trung Quốc hứng chịu những lời chỉ trích. "Tốt nhất là họ nên tránh xa những thương hiệu đó mặc dù sự cố khiến các thương hiệu gặp khó khăn đã xảy ra cách đây khá lâu", Lý Thu Hàn cho biết.
Ví dụ cho trường hợp này là thương hiệu thời trang Versace của Italy từng làm bùng lên làn sóng tẩy chay gay gắt vào năm 2019 khi sản xuất một loạt các mẫu áo cho thấy Hong Kong, Macao là hai quốc gia riêng biệt. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nữ diễn viên kiêm ca sĩ Trung Quốc Yang Mi, đại sứ thương hiệu Versace, đã ngay lập tức cắt đứt quan hệ với thương hiệu này và lên tiếng rằng cô cảm thấy "vô cùng bị xúc phạm" trước thiết kế này. Đầu năm nay, nữ diễn viên Ngô Tuyên Nghi bị giới truyền thông chỉ trích khi trở thành đại sứ thương hiệu mới của Versace được công bố.
Năm 2019, ca sĩ Trương Nghệ Hưng, lúc đó là đại sứ thương hiệu của Samsung tuyên bố chấm dứt hợp đồng với "gã khổng lồ" điện tử Hàn Quốc sau khi trang web của công ty chỉ định Đài Loan và Trung Quốc là hai khu vực khác nhau. Thế nhưng đến tháng 9, nam diễn viên Trần Khôn lại công bố trở thành đại sứ thương hiệu mới của hãng, dấy lên làn sóng tẩy chay từ công chúng.
Trước những sự việc nghiêm trọng xảy ra, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để chấn chỉnh những nghệ sĩ những phát ngôn, hành vi và lập trường chính trị không phù hợp với các chủ trương mới, cũng như quốc tịch và thương hiệu của họ hợp tác, làm trong sạch làng giải trí.
Chuyên gia Lý Thu Hàn cho rằng những người nổi tiếng, công ty đại diện và công ty sản xuất của họ nên thận trọng hơn, cân nhắc hợp tác với thương hiệu, vạch ra con đường sự nghiệp, phát triển trong thời gian tới: “Bây giờ tốt hơn hết là họ nên nằm yên, tránh xa ánh đèn sân khấu và thận trọng hơn"./.