Tại Hội thảo trực tuyến phổ biến nội dung và góp ý triển khai đề án: “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, do Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL tổ chức, diễn ra ngày 24/4 vừa qua ở Hà Nội, phần lớn đại biểu tham dự đều cho rằng: “Cần xem xét và tính toàn kỹ khi xây dựng mới trường quay tại 3 miền là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng”.

Theo đó, mục tiêu của đề án là đến năm 2020, Điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hiện đại, giàu bản sắc dân tộc và sản xuất được 40 đến 45 phim truyện/năm, đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp, và đến năm 2030, Điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh có uy tín ở châu Á, sản xuất 55 đến 60 phim truyện/năm, đạt ít nhất 45% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp. 
truong%20quay%20co%20loa.jpg
Trường quay Cổ Loa là bài học để cân nhắc kỹ đến đề án xây dựng 3 trường quay mới tại 3 miền (ảnh: Hà An)
Đặc biệt, theo đề án, sẽ có ba trường quay được xây dựng tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ và nhìn nhận từ bài học ở trường quay Cổ Loa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim - Nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Khi xây dựng phim trường, cần quan tâm kỹ hơn các kinh nghiệm của nước ngoài. Hiện nay, ở Việt Nam, yếu nhất là phim trường nội cảnh, thiết bị nội cảnh thiếu cho nên chúng ta không chủ động được ánh sáng, màu sắc để đảm bảo được hình ảnh. Còn ngoại cảnh thì các nước ngày càng quay ngoại cảnh nhiều, do đó nếu chúng ta xây dựng phim trường lấy nhiều đất, tốn nhiều tiền cho việc ngoại cảnh thì cần phải xem xét kỹ hơn, nếu không sẽ gây lãng phí”.

Dự kiến diện tích trường quay ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 100-150 ha, ở Đà Nẵng là 50-70 ha. Đây không phải những trường quay lớn, và việc xây dựng trường quay tại 3 thành phố này được dựa trên trên sự đồng thuận của các địa phương.

Tuy nhiên, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: “Trong chuyến công tác Hàn Quốc tuần trước, tôi làm việc rất kỹ với Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc và tham quan trường quay của họ. Trường quan rất lớn, cách thủ đô hai tiếng chạy xe, mất 7 năm xây dựng. Trong những năm đầu, 80% phim của Hàn Quốc được quay ở đây, nhưng thời gian sau và đến nay, số lượng phim quay ở đây giản dần. Tới hôm chúng tôi đến thăm thì cả trường quay rộng lớn không có đoàn làm phim nào thực hiện ở đây cả, chỉ lác đác khách du lịch thôi. Đây là điểm chúng ta phải tính toán”.

Trong khi, hiện nay lực lượng sản xuất phim của Việt Nam đang tập trung ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh còn khu vực Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc xây dựng cùng một lúc 3 phim trường ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nếu không cân nhắc, tính toán kỹ sẽ rất dễ gây lãng phí lớn./.