“Cả du lịch và điện ảnh đều yếu” đây là đánh giá của đạo diễn Lê Hoàng, khi vấn đề này được Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 đề cập tới thông qua một cuộc hội thảo chuyên đề “Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh”.
Kết hợp giữa điện ảnh và quảng bá du lịch, giới thiệu các danh thắng là câu chuyện không mới, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện hiệu quả sự kết hợp này. Nhưng ở nước ta, đây vẫn là vấn đề còn đang “bàn thảo” và hình ảnh đất nước, con người chỉ được sử dụng như một công cụ cho phim ảnh. Điện ảnh và du lịch đến với nhau chỉ là sự “vô tình”.
Như bộ phim “Cánh đồng bất tận” là cảnh đồng lúa mênh mông, con kênh nằm giữa những trảng cỏ cao ngút đầu người; cánh đồng sen bát ngát. Khi xem phim người xem có thể cảm nhận được cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước nhưng đây không phải làm chủ đích của các đạo diễn.
Đạo diễn Lê Hoàng- Ảnh:Hanoimoi |
Đạo diễn Lê Hoàng cũng thừa nhận rằng, khi ông làm phim “Ai xuôi vạn lý”, nhân vật buộc phải đi từ Bắc vào Nam, khi công chiếu, người xem cảm nhận nhận xét bộ phim có vẻ du lịch. Đến lúc này, đạo diễn này mới thấy rằng, nếu thông điệp quảng bá du lịch được ý thức ngay từ đầu thì rất tốt.
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng: “Cả điện ảnh và du lịch của Việt Nam hiện nay đều yếu kém và sự kết hợp giữa hợp giữa hai lĩnh vực này đương nhiên sẽ kém. Nếu Liên hoan Phim Việt Nam lần này không tổ chức ở thành phố Hạ Long thì chưa chắc chủ đề “điện ảnh và du lịch” đã được đưa ra bàn thảo, trong khi đó câu chuyện này nhẽ ra đã phải đề cập từ rất lâu rồi. Những thước phim về du lịch không chỉ có giá trị trong hiện tại mà còn mang giá trị lịch sử”.
Theo đạo diễn Lê Hoàng: “Tôi không hiểu kinh phí về quảng cáo du lịch là bao nhiêu, hay một bộ phim tài liệu về khung cảnh đất nước làm cho đẹp là bao nhiêu. Nhưng tôi tin chắc rằng, ngân sách đấy dù có ít đi chăng nữa cũng có thể làm được vài bộ phim. Và khi bộ phim như vậy, giá trị sử dụng của nó sẽ rất lâu bởi sau nhiều năm phong cảnh vẫn không có nhiều thay đổi, khác với phim truyện, nó có thể lạc hậu. Chúng ta quay Vịnh Hạ Long hôm nay, 10 năm sau ta xem lại vẫn có cảm xúc và rất hay”.
Vịnh Hà Long 2 lần được UNESCO công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cũng vẫn chưa có được một chiến dịch quảng bá đúng tầm bằng điện ảnh. |
Nhìn sang các nền điện ảnh các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia ta có thể thấy rõ sự kết hợp điện ảnh và du lịch mang lại hiệu quả cao như thế nào. Thành phố Busan, được coi là kinh đô điện ảnh của Hàn Quốc, hơn 40% bộ phim của quốc gia này được quay tại đây. Thông qua những bộ phim, cảnh quan của Busan được quảng bá khắp thế giới và trung bình mỗi năm thu hút khoảng 10 triệu lượt người tới thăm. Nhờ đó, doanh thu từ du lịch cao hơn 14 lần so với những hoạt động kinh tế khác của địa phương. Quần thể đền cổ Angkor ở Campuchia, nơi được chọn làm bối cảnh cho bộ phim "Bí mật ngôi mộ cổ" với ngôi sao nổi tiếng Angelina Jolie đóng vai chính. Sau khi công chiếu bộ phim này, du lịch Campuchia rất phát triển và doanh thu từ lĩnh vực này tăng vọt. Đây là hai trong rất nhiều những ví dụ cụ thể, điển hình về kết hợp giữa điện ảnh và du lịch mà Việt Nam cần học tập.
Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Vũ Đình Thân cho rằng: “Chúng ta cần một chiến lược dài hơi cho sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch. Phim về du lịch phải gắn vào câu chuyện, đưa câu chuyện vào không gian đó thì mới mang tính cảm xúc, thẩm mỹ và có sức hút với khán giả”.
“Làm phim để quảng bá du lịch cho một thành phố cần phải có chiến lược, phải có sự đầu tư. Đầu tư ở đây là của nhà nước, đầu tư của các nghệ sỹ để xây dựng những kịch bản tốt nhất với câu chuyện gắn kết vào với không gian đẹp của vùng du lịch mà chúng ta muốn thu hút khách. Chứ vẫn làm theo kiểu những câu chuyện chỉ có những cảnh phục vụ cho bộ phim thôi thì vẫn còn hạn chế chiều sâu vào những vẻ đẹp của địa phương” - Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Vũ Đình Thân nhận xét.
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh thì cho rằng: “Sự gắn kết giữa du lịch với điện ảnh vẫn còn nhiều khoảng trống. Ngay cả Vịnh Hạ Long, nơi 2 lần được UNESCO công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cũng vẫn chưa có được một chiến dịch quảng bá đúng tầm bằng điện ảnh.
Chúng ta còn bị ảnh hưởng nhiều bởi nguồn kinh phí hạn hẹp. Tài chính để dành cho những tác phẩm điện ảnh để làm ra những thước phim cần có sự đầu tư thích đáng. Nó cần phải có sự quan tâm ở góc độ có một tác phẩm điện ảnh ra tấm ra miếng, truyền tải được tầm cỡ thì cần có sự tham gia của những nhà làm phim, những doanh nghiệp du lịch thì sẽ có những tác phẩm điện ảnh tầm cỡ”.
Nếu làm một phép so sánh, Vịnh Hạ Long với đảo Jeju của Hàn Quốc hai kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Cảnh thiên nhiên, nét văn hóa đặc sắc ở Vịnh Hạ Long đều không kém điểm du lịch nổi tiếng xứ “Kim Chi”, thế nhưng công tác quảng bá bằng điện ảnh thì lại là khoảng cách rất xa nhau.
Đây là sự so sánh với một đất nước có nền điện ảnh phát triển trong khu vực, sẽ có ý kiến cho rằng sự so sánh này là khập khiễng. Vậy, chúng ta hay nhìn sang nước láng giềng Campuchia. Bằng những chính sách mở cửa, thủ tục đơn giản, Campuchia thu hút những nhà làm phim nổi tiếng thế giới đến làm phim và qua đó quảng bá cho du lịch của đất nước này. Đây là một cách làm đáng được xem xét để học tập.
Đã đến lúc các nhà quản lý ở hai lĩnh vực du lịch và điện ảnh cần nhìn lại sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này để cùng phát triển. Những lý do về “kinh phí hạn hẹp” hay sự thiếu quan tâm… chỉ biện minh cho cách quản lý yếu kém. Du lịch và điện ảnh Việt Nam cần một chiến lược lâu dài cho sự kết hợp phát triển./.