Chúng tôi tìm gặp bà bầu, nghệ sĩ Hồng Vân, khi trong khán giả và đồng nghiệp của chị đang xôn xao trước tin đồn Sân khấu Kịch Phú Nhuận mà chị đã dày công xây dựng suốt 15 năm qua sẽ đóng cửa. Biết là dạo này các sân khấu đều sụt giảm về doanh thu, nhưng chẳng lẽ tình hình nguy ngập đến mức Hồng Vân phải cam lòng chấm dứt hoạt động của một sân khấu đã có bề dày và có lượng khán giả ổn định?
Lương Thế Thành và Mỹ Duyên trong vở Cần có ai đó để yêu thương luôn kín rạp từ tết tới giờ tại Sân khấu IDECAF. (Ảnh: Thanh niên) |
“Thật ra lúc đầu khi nghe tin tiền thuê mặt bằng tại Trung tâm văn hóa Phú Nhuận sẽ tăng, tôi có than thở chắc là nghỉ làm”, Hồng Vân cho biết. “Nói thiệt, bây giờ cứ mở màn đêm nào là tôi bù lỗ đêm đó, hoặc chỉ huề vốn. Những vở chuyển thể từ tác phẩm văn học, như Người đàn bà uống rượu, Làm… (Làm đĩ), Đàn bà mấy tay (Giông tố), Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Cô gái ăn cắp (Bỉ vỏ) tôi phải lấy doanh thu của các vở kịch kinh dị và hài bù vào.
Khổ vậy, mà sao tôi vẫn tâm huyết dựng vở văn học? Vì tôi từng mơ ước sẽ có một thế hệ khán giả trẻ khác với thế hệ khán giả hiện tại, và cũng để diễn viên trẻ của chúng tôi biết diễn khác đi, diễn cho đã nghề”. Thật may, sau đó Trung tâm văn hóa Phú Nhuận đã ủng hộ bằng cách không tăng tiền thuê mặt bằng, nên Sân khấu Kịch Phú Nhuận vẫn tiếp tục phục vụ khán giả.
Thế nhưng vẫn còn một loạt sân khấu khác đang phải cầm cự từng đêm để có thể sáng đèn. Sân khấu Hoàng Thái Thanh từ ngày chuyển từ điểm diễn ở Q.1 về cơ sở mới ở Q.10 cũng đã tròn 1 năm vẫn đang chật vật tìm cách thu hút khán giả. Nghệ sĩ Ái Như, người cầm trịch sân khấu này, cho biết: “Đến nay cũng chưa lãi tí gì”. Ông bầu - nghệ sĩ Minh Béo lỗ nặng khi đóng đô ở Q.11, năm ngoái anh đã bù lỗ cho sân khấu của mình cả tỉ đồng. Đó là mới tính tiền thu hằng đêm, chưa nói tới đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất như mặt bằng, âm thanh, ánh sáng, trang trí… từ vài tỉ tới cả chục tỉ chưa biết bao giờ thu hồi lại cho đủ. Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ đóng cửa để sửa chữa, nhưng trước đó cũng rất khó khăn khi có suất chỉ vài chục khán giả. Cho nên các ông bà bầu mới nói, sân khấu là một cuộc chơi tâm huyết, ai bước vào nghĩa là niềm đam mê phải sôi sục lắm mới dám trụ lại, nhất là trong thời điểm này.
“Lấy con nít nuôi người lớn”
“Mọi người cũng nên bình tĩnh một chút. Kinh nghiệm của sân khấu chúng tôi là năm nào tới mùa mưa cũng vắng khách, có chi mà lạ. Vắng từ 20 - 30% so với mùa nắng. Năm nay mưa nhiều hơn, và có thêm quá nhiều chương trình truyền hình thực tế lẫn hài trên ti vi, khán giả làm biếng ra đường, thành ra vắng tới 40 - 50%. Vì vậy đa số vở là tôi huề vốn, vở bị lỗ chừng 30%, có thể lấy chương trình Ngày xửa ngày xưa bù vào. Tôi nói “lấy con nít nuôi người lớn” là vì vậy”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Kịch IDECAF, nói.
Và vẫn có những điểm sáng khác, như Bao giờ sông cạn của Hoàng Thái Thanh mới ra lò nhưng khán giả đặt vé trước cả tháng, phải diễn tăng thêm suất. Kịch của Nhà hát Thế Giới Trẻ các suất vào thứ bảy và chủ nhật khán phòng lúc nào cũng đông kín... Như vậy, sân khấu Sài Gòn có “lúc này lúc khác”, khó khăn thì khó khăn thật nhưng không đến nỗi “sắp chết” như khán giả lo sợ./.