Hấp dẫn ! Đó là cảm nhận của khán giả khi xem vở kịch nói "Cạm bẫy". Mặc dù vở kịch có cốt truyện không quá phức tạp và không có nhiều mâu thuẫn, nhưng người xem theo dõi vở kịch gần 2 tiếng đồng hồ luôn cảm thấy hứng thú.
Vở kịch về Vân Dung (do Thu Hà đóng), một thiếu nữ xinh đẹp từ nông thôn lên thành phố học đại học với nhiều tham vọng, trong đó có việc có nhà cửa, giàu có để đưa mẹ lên thành phố. Vân Dung yêu Lê Sơn (do Minh Hiếu đóng). Sơn luôn bao bọc chu cấp cho Dung. Sơn là một trí thức trẻ thực dụng và nhiều tham vọng. Để sở hữu cái ghế trưởng phòng xuất nhập khẩu của một công ty, Sơn giăng ra một cái bẫy tình mà nạn nhân là giám đốc Trần Tạo và con mồi xinh đẹp chính là Dung.
Một cảnh trong vở kịch
Sự việc đó với Dung là một cú sốc lớn. Cô quyết định đoạn tuyệt với Sơn khi nhận ra bộ mặt thật của hắn. Đau khổ và tuyệt vọng, Dung định tự tử. Bạn bè thân thiết đã giúp Dung lấy lại thăng bằng và đặc biệt là sự trở về của Trần Bình, người yêu cũ của Dung. Họ nối lại tình xưa. Thật trớ trêu, Trần Bình chính là con trai của ông Tạo. Trong khi đó, cái thai của Dung và ông Tạo to dần, Dung phá thai và bị băng huyết phải đi cấp cứu... Mọi chuyện vỡ lở, Trần Bình thất vọng, mất niềm tin với cả cha mẹ mình. Sau khi ra viện, Dung chọn con đường về quê để làm lại cuộc đời...
Ngay từ đầu vở kịch, khi màn chưa mở, người xem nghe thấy vang lên sau tấm màn phông là những lời tình tự của một đôi tình nhân, với nhiều toan tính. Phía trước tấm màn là những hình nhân đeo mặt nạ, khoác áo choàng với biểu tượng ma quỉ. Đó chính là một cách tạo nên sự hấp dẫn.
Dàn diễn viên tài năng: Minh Hiếu, Lâm Tùng, Thu Hà, Phương Nga, Danh Nhân, Lệ Ngọc, Thanh Thuỷ, Hồ Liên… đặc biệt là hai diễn viên chính là Thu Hà và Minh Hiếu đã cho thấy một lối diễn xuất đầy thăng hoa sáng tạo trong vở diễn mới này.
Vào vai Lê Sơn, một con người đầy tham vọng, sẵn sàng quì gối, chạy chọt, lừa trên, mang người yêu làm con mồi để tiến thân, Minh Hiếu cho biết: "Sự phức tạp trong tính cách nhân vật hấp dẫn tôi". Còn Thu Hà thì tâm đắc với nhân vật Dung vì "vai này rất cá tính. Một cô gái quê có thể làm tất cả bằng mọi giá để có thể đạt mục đích là đưa mẹ lên thành phố. Vai này có nhiều cách để diễn, có nhiều hành động khác nhau để diễn".
NSƯT Anh Tú đã mang tới cho người xem một phong cách lạ, với việc dàn cảnh như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Mỗi khi tham vọng của con người nổi lên, là trên sân khấu lại xuất hiện những hình nhân đeo mặt nạ và mặc áo choàng ma quỉ. Thậm chí đạo diễn đã mượn cả ngôn ngữ của rối khi đưa vào sân khấu. Lời thoại không bị rườm rà, sáo rỗng. Đạo diễn nhiều lần cho diễn viên nhắc đi nhắc lại lời thoại, với âm lượng to dần, cũng là một cách tạo dấu ấn cho người xem.
Vở diễn còn thuyết phục bởi lối đào sâu tâm lý nhân vật, nói lên được những vấn đề lớn mà vẫn giản dị, độc đáo với nhiều chi tiết, tình huống hài hước, hóm hỉnh. Những khung cửa khi thì được treo lơ là, lúc hạ xuống rất linh hoạt, tạo sự biến đổi liên tục cho sân khấu. Âm nhạc được sử dụng phù hợp như là một gia vị thơm ngon làm tăng thêm sự hấp dẫn cho vở kịch.
Một cảnh trong vở kịch
"Cạm bẫy"- đó chính là ý tưởng xuyên suốt trong cả vở kịch- NSƯT Anh Tú, đạo diễn của vở kịch cho biết: "Cạm bẫy ai giăng, ai vướng? Nhiều khi những người mắc vào cạm bẫy đó lại là chính họ. Chính họ giăng bẫy và họ tự mắc vào. Cuộc đời giờ đây cũng rất mong manh mà dễ phạm phải sai lầm, dễ sa xuống vực thẳm. Rất nhiều nhân vật trong vở kịch này là tự họ dựng lên cạm bẫy cho cuộc đời và số phận của họ. Tự gây ra và tự họ phải chịu hậu quả. Đó là thông điệp của vở diễn". Hơn 20 diễn viên, nghệ sĩ của đoàn diễn viên II của Nhà hát Kịch VN đã tham gia vở diễn này.
Vở kịch "Cạm bẫy" đã tái hiện thực trạng của đời sống hiện nay: Một bộ phận giới trẻ quá nhiều tham vọng, vì muốn thành đạt nhanh, sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ quí giá như: danh dự, sự trinh tiết, tình yêu.v.v… Họ tìm mọi cách để đạt được tham vọng của mình, sẵn sàng làm tất cả những điều trái với đạo lý, giăng bẫy để lừa thầy, phản bạn… và họ đã phải đón nhận nhiều bi kịch trong cuộc đời.
Nhà viết kịch Phạm Văn Quý- tác giả kịch bản của vở diễn cho biết: khi viết ông đặt tên của vở kịch là "Cạm bẫy và trừng phạt", nhưng khi dàn dựng thì đạo diễn Anh Tú chỉ lấy tên là "Cạm bẫy" mà thôi. Tôi nghĩ, đạo diễn có lý. Bởi trong cuộc đời này luôn luôn có cạm bẫy, có đau khổ, giày vò. Duy chỉ có một điều, mà chỉ những người giăng bẫy mới thấu hiểu: đó là họ sẽ bị trừng phạt, mà trước hết là sự trừng phạt bởi lương tâm của chính họ./.