Kiệt tác của đạo diễn Bong Joon Ho đứng trước cơ hội mang về ít nhất một tượng vàng cho điện ảnh Hàn Quốc. Hơn 20 năm qua, điện ảnh Hàn có sự chuyển mình mạnh mẽ, gây được tiếng vang trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chưa có bất cứ bộ phim Hàn Quốc lọt vào danh sách 5 đề cử cuối cùng của hạng mục “Phim quốc tế xuất sắc” bất chấp sự phát triển vượt bậc.
Tác phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc tranh giải tại các hạng mục lớn. |
Với một loạt giải thưởng danh giá và phản hồi cực tích cực của giới phê bình, “Ký sinh trùng” đã chứng minh khả năng vươn xa khỏi châu Á, xứng tầm điện ảnh thế giới khi lần đầu tiên ghi danh trong bảng đề cử Oscar cuối cùng. Niềm tự hào của điện ảnh Hàn Quốc tranh giải tại các hạng mục lớn “Bộ phim hay nhất", "Đạo diễn xuất sắc nhất", "Kịch bản gốc xuất sắc nhất", "Phim quốc tế xuất sắc nhất", "Dựng phim xuất sắc nhất", và "Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất”. “Ký sinh trùng” cũng trở thành phim nói tiếng nước ngoài sở hữu nhiều đề cử tại Oscar sau bộ phim “Ngoạ hổ tàng long” của Lý An (Đài Loan) và “Roma” của Alfonso Cuaron (Mexico) với 10 đề cử.
Những tình huống dở khóc dở cười duyên dáng, đầy tự nhiên và gần gũi mang lại cảm giác thoải mái cho người xem. |
Trước đó, phim đã làm nên lịch sử khi chạm tay đến nhiều giải thưởng danh giá quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử 100 năm của Hàn Quốc, một bộ phim điện ảnh đoạt giải “Cành cọ Vàng” danh giá tại Liên hoan phim Cannes 2019. Tính đến thời điểm hiện tại, “Ký sinh trùng” đã nhận 272 đề cử tại các lễ trao giải quốc tế, mang về 151 giải thưởng lớn nhỏ. Trong đó phải kể đến giải thưởng “Quả cầu vàng” dành cho “Phim nước ngoài xuất sắc”. Bộ phim cùng đồng thời nhận loạt đề cử quan trọng từ WGA, DGA, SAG, cũng như BAFTA. Đây là sự tôn vinh xứng đáng của Viện hàn lâm dành cho “Ký sinh trùng” nói riêng và điện ảnh châu Á nói chung.
Không nói quá khi cho rằng “Ký sinh trùng” là tác phẩm điện ảnh hoàn hảo đến từng chi tiết, từng cảnh quay, từng nhân vật và từng câu thoại. Nhiều chuyên gia từ các tạp chí danh tiếng như Vox, Mashable, IndieWire, The Guardian, IGN, Polygon,...đã dành nhiều lời khen ngợi và lựa chọn “Ký sinh trùng” là “Phim hay nhất năm 2019”. Phim có tới 343 lần được bầu chọn vào các danh sách top 10 với 9 lần đứng đầu.
Không chỉ được lòng giới phê bình, “Ký sinh trùng” còn được đông đảo khán giả đón nhận. Nếu những tác phẩm đoạt giải Cannes thường mang tính hàn lâm, đề cao yếu tố nghệ thuật, sự mới mẻ và khác lạ, khó tiếp cận với số đông khán giả thì “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joon Ho đã phá vỡ những nhận định đó.
Phim lập kỷ lục phát hành ở 192 quốc gia với doanh thu kỷ lục lên đến 130 triệu USD. |
Bằng cốt truyện lạ, bi hài đan xen, được khai thác thông qua nhiều tình tiết liên kết thú vị, hình ảnh ẩn dụ độc đáo của văn hoá Hàn Quốc, tác phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho lập kỷ lục phát hành ở 192 quốc gia với doanh thu kỷ lục lên đến 130 triệu USD.
“Ký sinh trùng” phản ánh sự khác biệt giai cấp trong xã hội Hàn Quốc hiện đại với màu sắc hài hước châm biếm, rùng rợn và kinh dị. Bộ phim xoay quanh gia đình nghèo bốn người tại thủ đô Seoul. Bị dồn vào bước đường cùng, họ lập kế hoạch đổi đời. Với tấm bằng đại học giả và vỏ bọc trí thức, cậu con trai cả Ki-woo (Choi Woo Shik) lập kế hoạch riêng để giúp cuộc sống gia đình trở nên tốt hơn, dù điều đó là trái đạo đức. Không kẽ hở, không phi logic, tất cả được diễn ra một cách trơn tru. Nhưng mọi chuyện dường như mới chỉ bắt đầu khi kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo ấy lại nhanh chóng biến thành tấn bi kịch đáng sợ khi bí mật về gia đình thượng lưu hào nhoáng được hé lộ.
Sự chênh lệch địa vị với những mâu thuẫn giằng xé,... khiến con người trở nên loạn trí, tàn ác hơn quỷ dữ. Sự thay đổi lối kể của đạo diễn ăn khớp chuyển biến tình tiết chứ không gượng gạo. Sử dụng những bản nhạc cổ điển có tiết tấu nhịp nhanh tạo cảm giác hồi hộp, đan xen các khoảng nghỉ để nhân vật trải lòng.
Những tình huống éo le, tiếng cười vẫn còn được gài gắm đâu đó trong phim nhưng dần lạc điệu, mang một nỗi buồn da diết khi tất cả kết thúc đầy ám ảnh bằng cuộc nổi dậy của những kẻ ở dưới cùng xã hội, của những kẻ lỡ bước chân vào một thế giới không thuộc về mình ở bữa tiệc xa hoa đẫm máu cuối phim, nơi mọi thứ đều không còn có thể cứu vãn được nữa.
Tưởng như bộ phim sẽ khép lại với cái kết u tối thì Bong Joon Ho lại mang đến một niềm hy vọng. Nếu nhân vật Ki-taek ngày ngày gặm nhấm nỗi ân hận muộn màng khi sống trong căn hầm của ngôi biệt thự, gửi thư cho con trai bằng kí hiệu của hướng đạo sinh thì Ki-won lại mang một ước mơ mua được căn nhà đó, để con và mẹ đứng trong ánh Mặt trời, và bố sẽ bước ra từ những bậc cầu thang cũ. Giấc mơ ấy liệu có một ngày nào đó thành sự thật? Bong Joon-ho để ngỏ cho khán giả lựa chọn.
Có lẽ ít có bộ phim nào đa tầng mà ý nghĩa sâu xa được thể hiện tài tình qua hình ảnh như "Ký sinh trùng" đến như vậy. “Sức nặng” của phim được đặt ở hàng loạt hình ảnh ẩn dụ liên quan mật thiết. Sự khác biệt giàu nghèo được đạo diễn được diễn tả một cách tinh tế qua hình ảnh đối lập và tương phản dữ dội.
"Ký sinh trùng" đã hoàn toàn thuyết phục được khán giả bởi những cung bậc cảm xúc không bó hẹp trong tính giáo điều mà bộ phim mang lại. Trưởng Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes 2019 Alejandro González Iñárritu hết lời khen ngợi: “Đây là tác phẩm có thông điệp mang tính toàn cầu, giúp người xem hiểu được giá trị thật của điện ảnh".
Hạng mục "Bộ phim hay nhất" là sự cạnh tranh giữa 1917, The Irishman, Marriage Story, Jojo Rabbit, Joker, Little Women, Once Upon a Time...in Hollywood và Ký sinh trùng. |
Tất cả cho thấy bộ phim hoàn toàn có khả năng làm nên chuyện lớn trong đường đua Oscar năm nay. Phim gần như chắc chắn sẽ ôm tượng vàng cho hạng mục “Phim quốc tế hay nhất”. Tuy nhiên, ở hạng mục “Bộ phim hay nhất”, nhiều nhà phê bình cho rằng khả năng chiến thắng của “Ký sinh trùng” không cao khi phải đối mặt với các đối thủ nặng ký khác là “Joker”, “1917”, “Once upon a time in Hollywood”,…
Bên cạnh đó, lịch sử đề cử các năm của Viện hàn lâm dường như không ủng hộ “Ký sinh trùng” cho hạng mục giải thưởng cao quý nhất. Giải thưởng “Bộ phim hay nhất” chưa bao giờ trao cho một bộ phim nói tiếng nước ngoài với dàn diễn viên tương đối xa lạ. Năm ngoái, tại giải Oscar lần thứ 91, “Roma” là bộ phim nói tiếng nước ngoài thứ 10 xuất hiện trong đề cử hạng mục này nhưng cũng phải chịu thua trước “Green book”.
Đạo diễn Bong Joon Ho nhận giải thưởng "Quả cầu vàng" ở hạng mục đề cử "Phim nước ngoài hay nhất". |
Dù vậy người hâm mộ vẫn hy vọng “Ký sinh trùng”, một bộ phim đậm đặc nét văn hoá, xã hội Hàn Quốc có thể chinh phục Viện hàn lâm bằng thông điệp sâu sắc và ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng để làm nên kỳ tích tại Oscar 2020. Đạo diễn Bong Joon Ho từng nói: “Một khi vượt qua được rào cản dày cui những dòng phụ đề, chúng ta sẽ được biết tới một thế giới còn rất nhiều bộ phim tuyệt vời khác. Tôi nghĩ ở đây chúng ta chỉ có duy nhất một ngôn ngữ: ngôn ngữ điện ảnh”./.