Những năm gần đây, người ta chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của sắc màu châu Á tại Liên hoan phim Cannes – một trong những sự kiện điện ảnh danh giá nhất thế giới.Mang tác phẩm thứ 7 của mình đi dự thi, đạo diễn Hàn Quốc, Bong Joon Ho không đặt quá nhiều hi vọng vào "Ký sinh trùng" (Parasite) bởi bộ phim chứa đựng những từ ngữ, hình ảnh có đặc thù riêng của văn hoá Hàn Quốc mà ông không nghĩ người phương Tây sẽ hiểu được toàn bộ. 

Thế nhưng “Ký sinh trùng” bất ngờ làm nên kỳ tích chưa từng thấy trước đó dành cho một tác phẩm điện ảnh châu Á khi nhận được tràng vỗ tay dài 8 phút của 2.300 nhà phê bình và mang về giải thưởng cao quý nhất, Cành cọ Vàng (Palme d’Or) đầu tiên cho xứ sở Kim chi. 

ba231fb02cf0c5ae9ce1_15612188845941352842575_xpyu.jpg
"Ký sinh trùng" (Parasite). 

Nếu những tác phẩm đoạt giải Cannes thường mang tính hàn lâm, đề cao yếu tố nghệ thuật, sự mới mẻ và khác lạ, khó tiếp cận với số đông khán giả thì “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joon Ho đã phá vỡ những nhận định đó.

Bằng cốt truyện lạ, bi hài đan xen, được khai thác thông qua nhiều tình tiết liên kết thú vị, hình ảnh ẩn dụ độc đáo, "Ký sinh trùng" khiến khán giả ngỡ ngàng khi được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh hoàn hảo đến từng chi tiết, từng cảnh quay, từng nhân vật và từng câu thoại.

"Nơi con người còn đáng sợ hơn quỷ dữ"

Bộ phim mở đầu bằng buổi sinh hoạt của gia đình Kim Ki Taek (Song Kang Ho thủ vai) với Chung Sook, vợ Ki Taek (Chang Hyae Jin) và hai đứa con đang độ tuổi trưởng thành là Ki Woo (Choi Woo Shik) và Ki Jung (Park So Dam) trong căn hộ tầng hầm chật chội, ẩm thấp. Những tình huống dở khóc dở cười duyên dáng, đầy tự nhiên và gần gũi mang lại cảm giác thoải mái cho người xem với những tình tiết như Ki Woo và Ki Jung loanh quanh dò wifi "chùa" sau khi wifi nhà trên đặt mật khẩu; 

Những tình huống "dở khóc dở cười" gần gũi. 

Chính sự chân thật, gần gũi đó đã lôi cuốn người xem vào mạch phim, theo chân người con trai Ki Woo tiến vào gia đình giàu có họ Park với danh nghĩa gia sư cho cô con gái, để rồi đến nửa sau, bầu không khí nghẹt thở bao trùm khắp bộ phim và càng theo dõi, khán giả càng khó có thể rời mắt trước những diễn biến sắp tới, khi sự thật đang ở ngưỡng bị phơi bày, hố sâu giai tầng trong xã hội Hàn Quốc được Bong Joon-ho bóc trần. 

Tấm bằng đại học giả được tạo ra bởi Ki Jung đã giúp Ki Woo tự tin xuất hiện tại căn biệt thự xa hoa của gia đình họ Park và láu cá vượt qua cuộc phỏng vấn. Choáng ngợp trước gia thế của nhà họ Park và lợi dụng sự cả tin của người vợ Mr. Park, Ki Woo lên kế hoạch để cả người nhà mình được đưa vào gia đình này làm công. 

Ki Woo nhanh chóng vượt qua cuộc phỏng vấn.

Kế hoạch cẩn thận, tỉ mỉ để có thể "quang minh chính đại" làm việc trong nhà "vật chủ" Park thực hiện bởi gia đình Ki Taek khiến ai nấy ngồi xem đều phải cảm thán trước độ tài tình của đạo diễn. Không kẽ hở, không phi logic, tất cả được diễn ra một cách trơn tru. Nhưng mọi chuyện dường như mới chỉ bắt đầu khi kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo ấy lại nhanh chóng biến thành tấn bi kịch đáng sợ khi bí mật về gia đình thượng lưu hào nhoáng được hé lộ.

Những tưởng rằng phim sẽ xoay quanh 2 gia đình – 2 tầng lớp chính nhưng phim còn đi xuống thấp hơn nữa, sâu hơn nữa theo nghĩa đen: một gia đình “kí sinh” ngay dưới tầng hầm căn biệt thự xa hoa đó. Đó là vợ chồng bà quản gia trung thành Moon Gwang (Lee Jung Eun). "Ông nói đây là nhà của ông hả? Vậy mà khi họ trở về thì ông lại trốn chui trốn nhủi chẳng khác gì bầy gián, chúng bỏ chạy xuống cống mỗi khi chủ nhà bật đèn sáng” - những câu nói đầy ám ảnh khi phát hiện ra gia đình kí sinh khác.

Kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo ấy lại nhanh chóng biến thành tấn bi kịch.

Đến lúc này, khán giả ngỡ ngàng khi nỗi ám ảnh của "Ký sinh trùng" không phải đến từ những yếu tố siêu nhiên về thảm họa hay quái vật mà đến từ việc phơi bày bản chất tăm tối trong con người. Bong Joon-ho khéo léo sắp xếp các nhân vật vào những giai cấp, thứ bậc rất rõ ràng – để rồi việc họ cố gắng tiến đến vị trí không thuộc về họ lúc ban đầu đẩy phim đến cao trào. Sự chênh lệch địa vị với những mâu thuẫn giằng xé,... khiến con người trở nên loạn trí, tàn ác hơn quỷ dữ. 

Và thế, những con người nghèo khổ không còn cách nào khác phải bấu víu vào người giàu mà sống như những con ký sinh trùng. Để sinh tồn, con người ta phải quên đi hết sĩ diện, liêm sỉ, thậm chí quên đi đạo đức. Nhưng dù gia đình của Ki-taek có cố gắng thế nào, họ cũng không bao giờ chạm được tới đẳng cấp của gia đình ngài Park và ngược lại, dù gia đình ngài Park có tử tế ra sao, họ vẫn có giới hạn với những người làm công, không ngại tỏ rõ thái độ coi thường. Họ khinh bỉ mùi của gia đình Ki Taek khi người ta giặt giẻ lau, mùi của củ cải thối, mùi của những người đi tàu điện ngầm và trên tất cả là mùi của sự nghèo hèn. 

Chân dung méo mó của vợ chồng ngài Park giàu có, chuẩn mực. 

Để rồi gia đình Ki Taek thấy được rõ chân dung méo mó những người có địa vị, chuẩn mực kia. Họ nhận ra rằng sự danh giá, thượng lưu kia đã “có thể” và thực sự “nên” thuộc về họ. Những tình huống éo le, tiếng cười vẫn còn được gài gắm đâu đó trong phim nhưng dần lạc điệu, mang một nỗi buồn da diết khi tất cả kết thúc đầy ám ảnh bằng cuộc nổi dậy của những kẻ ở dưới cùng xã hội, của những kẻ lỡ bước chân vào một thế giới không thuộc về mình ở bữa tiệc xa hoa đẫm máu cuối phim, nơi mọi thứ đều không còn có thể cứu vãn được nữa. 

Tưởng như bộ phim sẽ khép lại với cái kết u tối thì Bong Joon-ho lại mang đến một niềm hy vọng. Nếu nhân vật Ki-taek ngày ngày gặm nhấm nỗi ân hận muộn màng khi sống trong căn hầm của ngôi biệt thự, gửi thư cho con trai bằng kí hiệu của hướng đạo sinh thì Ki-won lại mang một ước mơ mua được căn nhà đó, để con và mẹ đứng trong ánh Mặt trời, và bố sẽ bước ra từ những bậc cầu thang cũ. Giấc mơ ấy liệu có một ngày nào đó thành sự thật? Bong Joon-ho để ngỏ cho khán giả lựa chọn. 

Đỉnh cao của nghệ thuật điện ảnh

Có lẽ ít có bộ phim nào đa tầng mà ý nghĩa sâu xa được thể hiện tài tình qua hình ảnh như "Ký sinh trùng" đến như vậy. “Sức nặng” của phim được đặt ở hàng loạt hình ảnh ẩn dụ liên quan mật thiết. Sự khác biệt giàu nghèo được đạo diễn được diễn tả một cách tinh tế qua hình ảnh đối lập và tương phản dữ dội. Điển hình là thông qua căn nhà của Ki Taek với “mái ấm” đẳng cấp quý tộc của ông Park.

Căn hộ tầng hầm rách nát, bẩn thỉu của gia đình Ki Taek.

Một ngôi nhà dưới tầng hầm rách nát, bẩn thỉu vì rác rưởi, còn ngôi nhà kia nằm ở phía trên một sườn dốc, giống như một công trình nghệ thuật, nổi bật giữa khu phố gồ ghề và nhem nhuốc, được bao bọc bởi cây cối và bụi rậm tạo nên sự riêng tư hoàn hảo, ẩn dụ cho địa vị cao của họ.

Hay hình ảnh cơn mưa, với nơi căn hộ tầng hầm của gia đình Ki Taek là cơn ác mộng khi tất cả chìm ngập trong nước thải. Ba cha con Ki Taek chân trần chạy trong mưa ra sức kêu cứu, vớt vát những món đồ còn xót lại. Còn ở ngôi biệt thự trên cao của gia đình Park, cơn mưa lại yên bình và lãng mạn. 

Đặc biệt sự xuất hiện của “căn hầm” tăm tối dưới căn biệt thự xa hoa khiến phim trở nên kinh dị và hồi hộp đến nghẹt thở.  Đó là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc sống ký sinh. Người nghèo ký sinh trong cuộc sống người giàu. Nếu gia đình Ki Taek là vật ký sinh mới thì vợ chồng người giúp việc là vật ký sinh cũ. Đôi bên không ai muốn rời khỏi vật chủ.

Biệt thự xa hoa, sang trọng của gia đình ngài Park. 

Một trong những hình ảnh biểu tượng gây ám ảnh người xem có lẽ là bóng đèn. Bóng đèn ở đó vừa là ngôn ngữ vừa là cảm xúc, nó thể hiện nội tâm nhiễu loạn, là hi vọng nhỏ nhoi, lời kêu cứu thủ thỉ, lời sám hối muộn màng… của những người nghèo khổ. 

Bên cạnh đó, sự thay đổi lối kể của đạo diễn ăn khớp chuyển biến tình tiết chứ không gượng gạo. Những tình tiết bất ngờ, hài hước được cài cắm khéo léo. Sử dụng những bản nhạc cổ điển có tiết tấu hịp nhanh tạo cảm giác hồi hộp, đan xen các khoảng nghỉ để nhân vật trải lòng.

"Ký sinh trùng" đã hoàn toàn thuyết phục được khán giả bởi những cung bậc cảm xúc không bó hẹp trong tính giáo điều mà bộ phim mang lại. Trưởng Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes 2019 Alejandro González Iñárritu hết lời khen ngợi: “Đây là tác phẩm có thông điệp mang tính toàn cầu, giúp người xem hiểu được giá trị thật của điện ảnh". 

Chuyển mình mạnh mẽ của điện ảnh Hàn

Từ trước đến nay, điện ảnh Hàn Quốc luôn được gắn liền với dòng phim tình cảm lãng mạn. Cái mác quá lớn của dòng phim tình cảm làm cho những thước phim điện ảnh Hàn Quốc bị phai mờ, đặc biệt là thể loại hành động, kinh dị, viễn tưởng.

Nhưng những năm gần đây, phim Hàn Quốc đã bắt đầu có những động thái thay đổi mạnh mẽ trong việc làm phim nhằm mang sản phẩm của mình vươn xa khỏi châu Á và xứng tầm điện ảnh thế giới, trở thành một trong những nền điện ảnh đứng đầu châu Á. "Ký sinh trùng" là minh chứng rõ rệt cho điều này. 

Đạo diễn Bong Joon-ho nhận giải thưởng Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019. 

Không chỉ mang lại giải thưởng nghệ thuật cao quý, "Ký sinh trùng" còn tạo nên cơn sốt phòng vé, ghi dấu ấn doanh thu tại nhiều nước trên thế giới. Bong Joon-ho đã xoá bỏ làn ranh giữa phim nghệ thuật và phim giải trí. Thành công của "Ký sinh trùng" là tín hiệu đáng mừng, đầy hứa hẹn không chỉ cho dòng phim nghệ thuật thuần tuý mà còn cho thấy sự đột phá của điện ảnh Hàn. Họ sẵn sàng làm những bộ phim vừa đảm bảo tính nghệ thuật, vừa mang yếu tố giải trí thu hút, đảm bảo doanh thu phòng vé. 

Có lẽ khán giả sẽ được thưởng thức một thế giới điện ảnh Hàn Quốc đầy hứa hẹn, nhiều màu sắc hơn, đa dạng thể loại hơn và đúng chất điện ảnh quốc tế trong tương lai./.