Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã thực hiện bộ phim “Sống cùng lịch sử” với mong muốn để khán giá trẻ hôm nay hứng thú với những câu chuyện lịch sử. Trước khi bộ phim ra mắt, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Nguyễn Thanh Vân về bộ phim này.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (ảnh: Nha Trang) |
PV: “Sống cùng lịch sử” được đạo diễn xây dựng theo một phong cách riêng, ông có thể chia sẻ về điều này?
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Bộ phim này tôi chọn ra những lát cắt ngang vào những sự kiện tiêu biểu nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ là nói đến vai trò của dân công, của việc kéo pháo, đào hầm trong 56 ngày đêm “mưa dầm, cơm vắt”. Ở đây có những nhân vật tiêu biểu, tình tiết tiêu biểu của các anh hùng như Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót đều được xuất hiện. Có lẽ, đây là lần đầu tiên thế hệ sau được nhìn thấy hình ảnh mà người ta từng được nghe như: Chèn pháo, bịt lỗ châu mai hay làm giá súng là như thế nào trên phim.
Trong phim, tôi cũng không đặt tên cho từng nhân vật cụ thể, tôi chỉ lấy những hành động tiêu biểu của các anh, nhưng nhìn ở góc độ khái quát hơn để khán giả có thể hiểu rằng đó là một người lính, và bất cứ một người lính nào trong giai đoạn lịch sử đó đều có thể có hành động anh dũng như vậy. Người xem có quyền liên tưởng để thấy rằng có những người lính vô danh của chiến dịch Điện Biên Phủ cũng có rất nhiều hành động quả cảm.
PV: Được biết, kịch bản “Sống cùng lịch sử” khá mới lạ với thủ pháp đồng hiện - một nhóm bạn trẻ đi du lịch, mơ và sống cùng không khí 60 năm trước. Điều này có làm khó gì cho đạo diễn không?
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Để giải quyết điều này không phải là dễ. Trên thế giới cũng đã có kiểu phim này rồi nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên. Nhóm bạn trẻ đi phượt, đến những địa danh và liên tưởng về lịch sử. Trong diễn biến bộ phim cũng có một phần sự tưởng tượng của họ. Đây cũng là lý do tôi không đặt tên cho bất cứ một anh hùng nào trong phim bởi họ tượng trưng cho những người lính và trong hoàn cảnh lịch sử đó thì rất nhiều con người có thể trở thành anh hùng. Phải làm sao để nhân vật có thể hòa vào các sự kiện lịch sử một cách đáng tin cậy, dễ chấp nhận, đem lại một nhận thức, một cảm xúc. Đó là điều cần thiết nhất của phim.
Một cảnh trong bộ phim "Sống cùng lịch sử" |
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Về cá nhân mình, tôi cảm giác vóc dáng Tùng gần với vóc dáng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn. Thứ hai, về tinh thần, trông Lâm Tùng có tính chất “văn” trong con người toát ra mà người xem có thể cảm nhận được. Trong “Sống cùng lịch sử”, tôi khai thác hình ảnh Đại tướng dưới góc độ nhân văn, ông quan tâm đến người lính, gia đình, hậu phương…, ông được coi là Đại tướng của nhân dân. Do đó, gương mặt, vóc dáng của Lâm Tùng gần với suy nghĩ của tôi hơn.
PV: Giây phút đưa ra quyết định chuyển từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chậm, thắng chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện như thế nào trong bộ phim này, thưa đạo diễn?
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Trong kịch bản ban đầu, phân cảnh đưa ra quyết định thay đổi “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chậm, thắng chắc” được thảo luận rất kỹ càng. Trong đó xuất hiện rất nhiều tướng lĩnh và có cả cố vấn Trung Quốc. Nhưng tôi lại không muốn đi sâu vào câu chuyện đó. Tôi muốn đưa đến một hình ảnh Đại tướng đi thăm những trạm xá địa phương, ông nhìn những đoàn quân đi. Qua đó, tình cảm, tinh thần nhân văn của ông được tỏa ra cũng như thể hiện suy tư của ông trước những trận đánh rất ác liệt có nhiều sự hi sinh.
Chủ thuyết ban đầu của tôi về hình ảnh Đại tướng là không muốn đưa cảnh về cuộc họp đó. Thời lượng không cho phép triển khai quá sâu vào những cuộc họp như thế. Do đó, tôi chuyển sang nhấn mạnh vào tâm tư, suy nghĩ của ông để đi đến quyết định đó. Tôi chọn ra một khoảnh khắc rất riêng tư của ông trong một đêm ở Sở chỉ huy chiến dịch. Nhưng vẫn khẳng định chủ thuyết của ông là đúng, tinh thần của ông là không thay đổi.
PV: Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Thanh Vân./.