Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” dự kiến tổ chức tối 6/5 tại Điện Biên nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên.
PV: Thưa ông, thực hiện một chương trình nghệ thuật để kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Trong bối cảnh các chương trình nghệ thuật để kỷ niệm các sự kiện chính trị thường bị đánh giá là khô cứng, sân khấu hóa và kém hấp dẫn, ông có cảm thấy bị áp lực khi nhận nhiệm vụ làm tổng đạo diễn chương trình này?
lnc1.jpgNSND Lê Ngọc Cường
NSND Lê Ngọc Cường:
Tôi đã từng gắn bó với mảnh đất Điện Biên và sự kiện Chiến thắng Điện Biên Phủ nhiều chục năm nay, nên có thể nói đó là một mảnh đất lịch sử mang nhiều dấu ấn cảm xúc với cá nhân tôi. Xin được tiết lộ là chương trình nghệ thuật kỷ niệm 40 năm, 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cũng đã từng được tham gia bởi vậy phần áp lực thì cũng không phải quá nặng nề. Bản thân chúng tôi, nhóm tác giả kịch bản và toàn bộ các anh chị em nghệ sĩ đều nghĩ đơn giản, công việc mình đang làm là để phần nào đền đáp công ơn của các chiến sĩ Điện Biên, những người đã ngã xuống cho chiến thắng lịch sử, cho đất nước và cũng là để tri ân người dân Điện Biên. Chúng tôi sẽ cố hết sức mình để chương trình không bị rơi vào trạng thái “diễn nôm” cho những chiến công, những sự kiện lịch sử đã từng diễn ra trong 56 ngày đêm oanh liệt đó. PV: Vậy ông chọn một cách kể như thế nào, bởi trên nền các sự kiện thì vẫn phải gắn với cuộc chiến đấu anh dũng của quân đội ta tại lòng chảo Điện Biên?NSND Lê Ngọc Cường:Chương trình là câu chuyện về một cuộc chiến song nó không phải được thực hiện theo kiểu minh họa lịch sử mà ở đây, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, dưới cái cảm của nghệ thuật mà các nghệ sĩ thể hiện các sự kiện. Vì thế mà tôi khẳng định Chương trình “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” sẽ không khô cứng mà tràn ngập cảm xúc. Toàn bộ chương trình được chia thành 3 chương: “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt”; “Ký ức Điện Biên - Ngời sáng tương lai” và “Điện Biên- Tình đất tình người”. Phần mở đầu được thực hiện ở ngay trên trục đại lộ dẫn vào khu vực trung tâm của sân khấu. Ở đó, không khí của chiến tranh sẽ được tái hiện trên từng góc phố để người tham dự sự kiện này có thể dần dần được dẫn dắt cùng tham gia vào một câu chuyện lớn của Điện Biên năm xưa.Nhằm tạo không khí hoành tráng, sử thi, nhằm khắc hoạt đậm nét cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta, chương trình sẽ kết hợp nhiều loại hình từ nghệ thuật sắp đặt đến video art cùng các phóng sự ngắn ghi nhận cảm xúc của các nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh, nhà văn hóa, nhạc sĩ… đã từng tham gia chiến dịch, từng sáng tác về Điện Biên năm xưa. Khán giả sẽ cùng chia sẻ cảm xúc với các nhân chứng lịch sử, cùng hồi tưởng và sống lại qua các sự kiện, cảm xúc- đó là yếu tố tôi đánh giá là quan trọng nhất trong chương trình này. PV: Được biết chương trình quy tụ 1.000 diễn viên chuyên và không chuyên, vậy phần sân khấu có gì đặc biệt trong thiết kế?NSND Lê Ngọc Cường: Chương trình nghệ thuật này diễn ra trên một sân khấu có diện tích 30x70m, đây là một sân khấu rất lớn. Sân khấu được khai thác với các tầng, lớp liên hoàn, tận dụng tối đa 3 chiều không gian phía trên, trước và dưới sân khấu. Theo thiết kế, sân khấu có hình dáng giống như đồi A1 nổi lên giữa lòng chảo Mường Thanh. Không chỉ phía gầm sân khấu sẽ được khai thác triệt để nhằm tái hiện các hoạt động đào giao thông hào cũng như bối cảnh đầu hàng của quân Pháp khi thua trận, mà phần trên không cũng sẽ được khai thác triệt để. Sân khấu không bố trí hai bên cánh gà đơn thuần mà dựa vào bối cảnh núi đồi.
Đoàn xe đạp thồ của dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên.
Ánh sáng cũng được sắp xếp đầy dụng ý tạo ra những luồng sáng hắt ra từ đồi núi chứ không chỉ là dàn ánh sáng công nghiệp chiếu thẳng vào sân khấu như thường thấy. Bên cạnh đó, chương trình sẽ hạn chế tối đa lời bình mà dùng chính hình tượng nghệ thuật để khán giả tự cảm nhận những gì đang diễn ra trên sân khấuPV: Những nhân vật lịch sử trong cuộc chiến đấu lịch sử sẽ xuất hiện trong chương trình này như thế nào?
"Chúng tôi kỳ vọng công chúng đến với đêm nghệ thuật không phải chỉ là xem biểu diễn đơn thuần mà đến để cùng chứng kiến và chia sẻ sự kiện đặc biệt này”.NSND Lê Ngọc Cường
NSND Lê Ngọc Cường: Nhắc tới Chiến thắng Điện Biên Phủ thì không thể không nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các anh hùng, liệt sĩ như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… Những nhân vật lịch sử này sẽ xuất hiện trong chương trình đúng với vai trò của họ trong lịch sử. Chúng tôi cũng sẽ tại hiện hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Sở chỉ huy chiến dịch bên cạnh đó là Bộ chỉ huy quân Pháp- đối thủ bên kia chiến tuyến của Đại tướng trong một cuộc đấu trí ngặt nghèo. Ngoài ra, cuộc kéo pháo vào lòng chảo Điện Biên của các chiến sĩ cũng là một điểm nhấn quan trọng, đoàn xe thồ tải lương, đội dân công hỏa tuyến và những chiếc dù bay tiếp tế quân nhu của quân đội Pháp cũng xuất hiện trong chương trình này. Chúng tôi kỳ vọng công chúng đến với đêm nghệ thuật không phải chỉ là xem biểu diễn đơn thuần mà đến để cùng chứng kiến và chia sẻ sự kiện đặc biệt này.PV: Đến thời điểm này, công việc luyện tập và chuẩn bị cho đêm nghệ thuật đang tiến hành ra sao, làm việc với khối lượng khổng lồ 1.000 diễn viên chuyên và không chuyên ông có gặp trở ngại gì không?NSND Lê Ngọc Cường: Chúng tôi phải huy động một số lượng lớn nghệ sĩ tham gia chương trình này, tất nhiên phần lớn những nội dung chính yếu của kịch bản sẽ do diễn viên, nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật trung ương đảm nhiệm. Hiện nay họ cũng đang luyện tập rất ráo riết tại các nhà hát ở Hà Nội, ngoài ra, còn một mảng nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên tại Điện Biên cũng được huy động luyện tập để tham gia trình diễn trong sự kiện quan trọng này. PV: Xin cảm ơn ông!./.