Đánh thức truyền thống
Tại Việt Nam, xu hướng lồng ghép văn hóa truyền thống vào thiết kế sáng tạo đã có từ lâu và ngày càng phát triển lan tỏa sang các lĩnh vực khác nhau. Với thiết kế trang phục, các yếu tố truyền thống thường là nhân tố ảnh hưởng lớn, có thể giúp xây dựng "danh tính" cho nhà thiết kế trong ngành công nghiệp này.
Tại tọa đàm "Đánh thức truyền thống" do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, nhà thiết kế Vũ Thảo cho biết, hiện nay việc ứng dụng văn hóa truyền thống trong thiết kế trang phục gồm một số xu hướng, như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa tối đa. Trong đó chủ nghĩa tối đa đang bùng nổ tại Việt Nam, với sự ngẫu hứng, hiệu ứng thị giác và khả năng gây ấn tượng với công chúng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc lưu giữ truyền thống trong lĩnh vực thiết kế không thể được xem xét đơn giản là quá trình “cắt và dán”. Truyền thống không thể được bảo tồn hiệu quả chỉ bằng cách thao túng hay tích hợp các biểu tượng quốc gia, truyền thống tín ngưỡng và văn hóa địa phương một cách phiến diện và nặng tính cổ động.
Nhà thiết kế Vũ Thảo nhận định, ứng dụng văn hóa truyền thống vào thiết kế phải bảm đảm nhiều nguyên tắc như tính bản địa, bảo tồn văn hóa, trao quyền cho cộng đồng, đặt con người làm trọng tâm và quy trình sản xuất ít tác động. Ngoài ra, các sản phẩm phải có chất lượng tốt, tỉ mỉ, giàu tâm huyết, phù hợp thẩm mỹ của thời đại. Các sản phẩm thiết kế phải phục vụ cho đời sống hiện đại chứ không chỉ để lưu niệm hoặc trình diễn.
Lấy truyền thống làm điểm tựa
Mặc dù các yếu tố truyền thống luôn cần được nhìn nhận nghiêm túc và tôn trọng, các nhà thiết kế cũng luôn phải đổi mới, sáng tạo để đảm bảo tính tiếp nối và ứng dụng. Nhà thiết kế Từ Phương Thảo cho rằng, văn hóa Việt Nam là một kho tàng ý tưởng cho các nhà thiết kế, kể cả các doanh nghiệp quốc tế khi vào Việt Nam cũng tận dụng yếu tố bản địa để thâm nhập thị trường. Tuy nhiên, không dễ để các thiết kế này đi được một chặng đường dài.
"Tính truyền thống giúp sản phẩm nhận diện tốt hơn khi ra thị trường, ra thế giới. Rất nhiều nghệ sĩ đã dựa lưng vào văn hóa Việt, có thể nói kho tàng văn hóa truyền thống như một 'đại gia' luôn tài trợ rất nhiều ý tưởng cho các nhà thiết kế. Tuy nhiên cái khó nhất là làm sao đi một chặng đường dài, thay vì chỉ làm ra một vài tác phẩm xuất sắc rồi lặng im" – bà Từ Phương Thảo chia sẻ.
Trong những năm qua, Sadec District là một đơn vị nổi bật về sản phẩm thiết kế ứng dụng mang tinh thần đương đại, luôn trân quý các giá trị truyền thống và văn hóa đa chiều. Với nguyên liệu chỉ là hình ảnh dân dã tại khu chợ địa phương hay câu chuyện tại các làng nghề, nhà thiết kế của Sadec District đã liên tục "nghĩ mới về cái cũ", kết nối truyền thống và hiện tại để làm ra những sản phẩm mới lạ.
Đại diện đơn vị này cho biết, những sản phẩm này ngày càng được công chúng đón nhận nhiều hơn, đặc biệt là khách hàng trong nước: "Nếu không tiêu thụ được sản phẩm được thì sẽ chết rất nhanh, thế nhưng Sadec District đã bước sang năm thứ 8. Thời gian đầu lượng khách nước ngoài là chính, sau khoảng 2-3 năm thì lượng khách Việt Nam tăng dần và đến giờ thì tỷ trọng 50/50. Mặc dù làm có sai, có thất bại, nhưng dần dần chúng tôi cũng biết thị hiếu khách hàng trùng bao nhiêu phần trăm với thị hiếu của nhà thiết kế".
Truyền thống và thiết kế công cộng
Không chỉ trong thiết kế sản phẩm, thiết kế công cộng cũng góp phần quan trọng để truyền tải văn hóa truyền thốngvào cuộc sống hiện đại. Tiêu biểu tại Hà Nội, các dự án nghệ thuật công cộng tại khu vực Phùng Hưng và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) không chỉ là điểm đến yêu thích của du khách mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân tại đây.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển dự án nghệ thuật công cộng tại Phùng Hưng cho biết, dự án nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân đã biến một khu vực lộn xộn đầy rác thải trở thành một con đường nghệ thuật dài gần 1km, với rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với một thời quá vãng như "Thuyền gương" gắn với một thời chạy lũ sông Hồng, "Nhà nổi" nhắc về những cuộc sống trên sông hay "Bến thuyền" với hình ảnh con thuyền, sóng nước từ 10.000 chai nhựa cũ... Khu vực này đã trở thành một nơi sinh hoạt cộng đồng quen thuộc của người dân và là điểm đến yêu thích của du khách quốc tế.
Phân tích ví dụ về tượng sư tử biển bên vịnh Marina (Singapore), nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê cho biết thiết kế công cộng này đã rất thành công trong việc truyền tải thông điệp và lưu giữ truyền thống. Thiết kế đã tính tới yếu tố bản địa, cùng với khả năng tương tác tốt với cộng đồng bằng nhiều giác quan, giúp cho người dân và du khách nhận thức rõ nét hơn về đất nước Singapore. Đến nay, đây đã trở thành biểu tượng của đất nước Singapore và có hiệu quả rất lớn về kinh tế, du lịch.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, Hà Nội cũng có rất nhiều những di sản, nét đẹp văn hóa hấp dẫn để khai thác, chỉ cần hướng về cộng đồng, khiến người dân yêu thích và tự hào thì cũng sẽ thu hút khách du lịch: "Các dự án nghệ thuật và không gian sáng tạo cần kết nối được với di sản của Hà Nội, gắn ký ức cộng đồng, kết nối được với chính quyền và người dân. Thành công sẽ đến khi dự án trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là điểm đến du lịch của thành phố"./.