Cụ thể tại vòng chung kết toàn quốc, bảng thính phòng và nhạc nhẹ, thí sinh được phép chọn bài nước ngoài có lời Việt. Điều thú vị là thí sinh được đánh giá cao nhất bảng thính phòng hội đủ hai yếu tố này.

Sự xuất hiện của tác phẩm nước ngoài khiến đêm thi trở nên sinh động hơn, đáp ứng thị hiếu ngày càng mở rộng của khán giả. Mặt khác hát bài nước ngoài sẽ khá thuận lợi cho thí sinh dòng thính phòng khi được hát đúng thứ mình vẫn học. Việc thể hiện kỹ thuật thanh nhạc phương Tây qua những bài hát kinh điển phương Tây rõ ràng thuận hơn so với áp dụng kỹ thuật Tây vào bài ta.

8a_owjw_jpg_minu.jpg
Nguyễn Bảo Yến - đại diện châu Âu về nước thi Sao Mai. (Ảnh: Giang Huy).

Được biết Nguyễn Bảo Yến (sinh 1990) vừa là du học sinh Nga vừa chọn bài nước ngoài đã nhận được điểm cao nhất từ BGK trong đêm thi thính phòng.

Với một trích đoạn trong nhạc kịch Con dơi của J. Strauss, Yến có thể nói chọn bài khó nhất trong số thí sinh bảng thính phòng. Để phát âm tốt lời Việt, Yến phải nhờ đến sự tư vấn của giảng viên Ngọc Lan (cũng là thành viên BGK). Nhiều người dự đoán Yến nối gót Võ Hồng Quân (Nhất Sao Mai 2013 dòng thính phòng) giành quán quân dòng thính phòng năm nay.

Hồng Quân sau khi hoàn thành khóa học Thanh nhạc tại Pháp đã về nước, hiện đầu quân cho Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TPHCM. Chưa biết Bảo Yến sẽ may mắn đến đâu nhưng có vẻ như lực lượng thí sinh từ châu Âu - đã qua tuyển chọn và đào tạo ở cái nôi của nghệ thuật opera - sẽ còn là đối thủ “đáng gờm” đối với thí sinh trong nước.

Sao Mai không chỉ là cuộc thi của thí sinh có qua đào tạo mà còn là cuộc thi của các… thầy cô. Chắc chắn thí sinh nào được thọ giáo thầy cô giỏi sẽ có khả năng bứt phá hơn. Ngoài ra uy tín của thầy cô cũng có thể tác động phần nào đến BGK - cũng gồm toàn các thầy cô. Rất tiếc giám khảo của Sao Mai bị “nhốt” trong phòng kín, chỉ chấm điểm qua màn hình, thỉnh thoảng mới được máy quay lia tới. 

Đây cũng là đặc thù riêng của định dạng Sao Mai. Tuy nhiên những mùa thi tiếng hát truyền hình toàn quốc đầu tiên đã chứng kiến BGK ngồi xem cùng khán giả, dù không nhận xét câu nào nhưng giơ bảng điểm tại chỗ rất xôm. Như vậy xem ra vui hơn và thuyết phục hơn so với việc thí sinh cứ liên tục lên thi rồi đùng một cái kết quả được công bố.

Trong clip giới thiệu thí sinh Lê Thị Dung (Thái Nguyên), có mặt cả giảng viên Anh Thơ tận tình hướng dẫn học trò. Với kỹ thuật khá chắc, Dung trình bày Dòng sông xanh của J. Strauss (lời Việt của Phạm Duy) đầy tự tin. Áp dụng cách xử lý đãi chữ của đàn chị Ánh Tuyết nhưng giọng Dung lại không cao, trong như Ánh Tuyết thành ra nghe hơi bị gượng ép. 

Cô vẫn được BGK đánh giá cao, lọt tốp 4 thí sinh thính phòng sẽ hát trong đêm chung kết xếp hạng 15/8 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, phát trực tiếp VTV1. Trong đêm chung kết xếp hạng, mỗi thí sinh sẽ thể hiện một bài đơn ca và một song ca với đối thủ. Đây cũng là điểm mới của Sao Mai năm nay nhưng có nét giống vòng Đối đầu của The Voice.

Nguyễn Tiến Hưng (Hải Dương)- thí sinh tiếp theo lọt vào chung kết xếp hạng có lẽ một phần cũng vì “dám” hát trường ca Sông Lô của Văn Cao. Hưng cũng là thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất. Thí sinh hát dễ chịu nhất đêm thính phòng hẳn là Nguyễn Thị Bích Ngọc. Cô chọn Tiếng chim họa mi hót trên đỉnh Fansipan- sáng tác mới phảng phất chất dân ca của Lưu Hà An. 

Một sáng tác mới toanh được Phạm Trung Kiên- đại diện duy nhất của TPHCM ở bảng thính phòng - là Bà mẹ Gạc Ma của Phạm Minh Tuấn. Có thể thấy Kiên có chất giọng đẹp, hát tình cảm nhưng kỹ thuật lại chưa đủ, thậm chí còn mắc một số lỗi. Nói chung ở bảng thính phòng nói riêng và Sao Mai nói chung, thí sinh phía Nam chưa bao giờ “qua mặt” được thí sinh phía Bắc - trừ trường hợp đã qua đào tạo ở nước ngoài của Võ Hồng Quân.

Nhìn chung chất lượng thí sinh bảng thính phòng năm nay khá đồng đều. Chính vì vậy một số thí sinh bị loại để lại sự tiếc nuối như Phạm Thị Vân Anh hay Lê Kim Long. Long có chất giọng nam trung rền và ấm được đánh giá cao về độ chuẩn mực từ những vòng trước. Có lẽ bài hát anh chọn cho đêm thi quyết định chưa khoe được hết tố chất riêng. 

Dù sao thì trong dòng thính phòng, các giọng nam cao bao giờ cũng bắt tai và được để ý nhiều hơn. Vân Anh cũng chọn bài khó của nước ngoài. Có một vấn đề nhỏ là nốt cao nhất để khoe giọng của bài hát lại rơi vào một âm đóng (điều này hoàn toàn có thể khắc phục khi chuyển soạn lời Việt) gây bất lợi cho người hát./.