Nhạc sĩ Phú Quang là một trong những người lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc thu tiền tác quyền âm nhạc hiện nay của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc.
Theo tác giả “Em ơi Hà Nội phố”, điều mà ông băn khoăn đó là VCPMC chưa bao giờ công khai việc chi tiền trả cho các tác giả âm nhạc. “Mỗi năm họ đều công bố thu được 80 tỉ, 90 tỉ hay 100 tỉ đồng, theo tôi là để báo cáo thành tích. Thực tế số tiền họ trả cho các tác giả chẳng đáng là bao. Và vì thế họ chẳng bao giờ dám công khai số tiền chi trả thực tế ấy”, nhạc sĩ Phú Quang cho hay.
Nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Ngô Khiêm |
“Theo tôi được biết, VCPMC hiện nay có gần 100 tỉ đồng đang gửi ngân hàng. Số tiền ấy họ lấy ở đâu ra. Đó là tiền thu được từ tác quyền chứ ở đâu. Tiền đi thu giúp các nhạc sĩ sao họ lại gửi ngân hàng?”, nhạc sĩ Phú Quang cho biết thêm.
Viện dẫn câu chuyện về việc mình từng từ chối không cho VCPMC khai thác tác quyền đối với các ca khúc của mình, nhạc sĩ Phú Quang kể: “Sau một thời gian VCPMC hoạt động, tôi nhận thấy có quá nhiều bất cập. Trước đó, khi tôi còn hợp đồng để VCPMC khai thác tiền tác quyền, mỗi quý tôi chỉ được 75.000 đồng tiền tác quyền ở VTV. Tuy nhiên, khi tôi thông báo là sẽ tự thu, VCPMC xin tôi thêm 3 tháng để hoàn thành nốt công tác thu tiền tác quyền còn đang dang dở. Tôi đồng ý. Lần đó, từ tháng 9 đến tháng 12, tiền tác quyền của tôi tại VTV lập tức tăng vọt lên 43 triệu. Như thế để thấy rõ ràng họ có nhiều mánh khóe trong vấn đề thu - chi tiền tác quyền, không chỉ riêng tôi mà với nhiều tác giả nữa”.
“Một lần khác, khi bạn tôi làm chương trình kỷ niệm ngày mất của các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, đại diện VCPMC cũng đến trực tiếp chương trình đòi tiền bản quyền.
Với nhạc sĩ Văn Cao, bên nhà sản xuất trả tiền tác quyền cho vợ ông ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy có công ty Phương Nam phụ trách về vấn đề này. Riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, VCPMC hét giá 16 triệu/bài. Chương trình có 3 đêm, sử dụng 5 bài của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Tổng số tiền phải trả cho VCPMC là 88 triệu đồng, bao gồm cả tiền thuế, tính theo cách thu của họ. Bạn tôi không đồng ý với cách "hét giá" trên trời đó. Tôi nhớ hôm đó là thứ 7, ngày cuối tuần, đại diện của VCPMC đã “xuống giá” với bên nhà sản xuất chương trình trong vòng 15 phút. Từ 88 triệu, họ hạ xuống còn 66, rồi 28, rồi 20 chỉ trong khoảng thời gian chớp nhoáng. Cách “ngã giá” chẳng khác gì đi mua mớ rau, cân thịt ngoài chợ. Hai mươi triệu đó là còn chưa bao gồm hai triệu tiền thuế mà đại diện VCPMC còn bắt chủ chương trình chi trả sau đó.
Một lần khác, khi tôi làm đêm nhạc có sử dụng một số tác phẩm của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Thụy Miên. Bên VCPMC lại đến đòi tiền tác quyền. Lần này là 75 triệu cho 6 bài, nghĩa là 1 bài phải trả tiền tác quyền là 12,5 triệu đồng. Tổng cộng 2 đêm nhạc VCPMC đòi 150 triệu cộng với 15 triệu tiền thuế là 165 triệu. Tôi cố tình không đóng. Chương trình đã có giấy phép của Bộ VH-TT&DL, tôi không có gì phải lo lắng. Đến sát ngày diễn, họ lại cử đại diện đến. Khi tôi nói rằng việc này đang nghiên cứu xem nên “lên” báo này thì họ lập tức hạ giọng: “Thôi anh ơi, em lấy anh 7 triệu rưỡi 2 đêm”. Điều đó đủ thấy họ làm ăn lưu manh cỡ nào”, nhạc sĩ Phú Quang thẳng thắn.
Thu tác quyền âm nhạc: Cần nhất là minh bạch
Theo ông, việc VCPMC thu tiền tác quyền ở các quán karaoke cũng đang có dấu hiệu thiếu minh bạch. "Họ không thu theo bài mà thu khoán, thu theo cách đổ đồng. Như thế là sai. Các tác giả sẽ không biết được tiền tác quyền họ đáng ra được nhận là bao nhiêu. Mà VCPMC đưa cho bao nhiêu thì chỉ biết có bấy nhiêu", ông nói.
Khẳng định những điều mình chia sẻ, nhạc sĩ Phú Quang nhấn mạnh: "Những điều tôi nói ra ở trên đều là sự thật và tôi chịu mọi trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Tôi mong, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để kiểm tra cách thu - chi của VCPMC hiện nay”./.