Sau 13 năm Việt Nam hội nhập về bản quyền, đến nay việc thu tiền tác quyền âm nhạc ở đâu, như thế nào vẫn còn nhiều tranh cãi. Vấn đề này đã làm “nóng” hội thảo góp ý về Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 100/2006/NĐ-CP về thu phí quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh gây tranh cãi, các tổ chức đại diện chủ sở hữu tác phẩm cần tiến hành thu - chi tiền tác quyền một cách minh bạch, công khai.

6_2_opt_rese_iuiu.jpg
NSND Thanh Hoa đề nghị phải đảm bảo yếu tố minh bạch trong thu - chi tiền tác quyền. Ảnh: P.V

Cần minh bạch thu-chi

Sau 2 tháng bị Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) yêu cầu dừng việc đếm đầu tivi thu tiền tác quyền trong phòng ngủ khách sạn, đến nay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc vẫn chưa có cách nào thống kê danh sách tác phẩm được khai thác, sử dụng, để việc thu tiền tác quyền tiếp tục được thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho các nhạc sĩ.

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc VCPMC khu vực phía Bắc - cho biết, việc bị yêu cầu tạm dừng thu tiền tác quyền ở một số lĩnh vực đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của VCPMC. Thời gian tới, VCPMC sẽ đầu tư các phương tiện có thể đếm tần suất sử dụng từng bài hát ở nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, để đảm bảo việc phân phối tiền tác quyền đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên, việc đầu tư được một bộ đếm này phải mất hàng tỉ đồng, nên không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Cũng vì thế, việc thu tiền tác quyền thế nào, đến nay vẫn còn nhiều lúng túng và gây tranh cãi. Hiện Cục Bản quyền tác giả đang gấp rút hoàn thành Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Trong buổi góp ý Dự thảo nghị định diễn ra mới đây tại Hà Nội, vấn đề cách thu và cách chi tiền tác quyền âm nhạc tiếp tục được các đại biểu đưa ra bàn luận. Đa số đại biểu đều đồng thuận rằng, trong nghị định mới cần có những quy định cụ thể hơn nữa về minh bạch trong thu - chi tiền tác quyền âm nhạc, để tránh gây bức xúc trong dư luận và mất niềm tin ở nghệ sĩ.

“Khi và chỉ khi được ủy quyền thì các tổ chức đại diện quyền tác giả và quyền liên quan mới được phép thu. Theo tôi, các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan nên cung cấp cho người sử dụng âm nhạc giấy ủy quyền để đảm bảo sự minh bạch” - ông Đặng Đình Long - Viện Nghiên cứu tư vấn phát triển - nêu quan điểm.

Trên góc độ của người quản lý, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, trong Dự thảo nghị định về quyền tác giả, quyền liên quan chuẩn bị trình Chính phủ sẽ có hẳn một chương nhấn mạnh vào tính minh bạch của việc thu - chi tác quyền.

Cụ thể, trong chương V quy định về tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, có nói rất rõ: Việc thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải tiến hành đàm phán với người sử dụng tác phẩm về mức giá.

Như vậy, khi nghị định này được Chính phủ thông qua, trước khi có văn bản đề nghị người sử dụng âm nhạc có nghĩa vụ trả tiền tác quyền, trung tâm của nhạc sĩ Phó Đức Phương sẽ phải đàm phán với người sử dụng, để có được mức giá mà cả hai bên chấp nhận. Ngoài ra, phía trung tâm cũng sẽ phải công khai danh sách các tác giả là hội viên, những tác phẩm mình được ủy quyền. Từ trước đến nay, với nhiều lý do khác nhau, phía VCPMC vẫn chưa công khai danh sách này.

Nghệ thuật không thể mặc cả như mua rau!

Cách đây chưa lâu, nhạc sĩ Phú Quang đã lên tiếng “tố” việc thu chi tác quyền của VCPMC thiếu minh bạch. Nhạc sĩ Phú Quang cũng cho hay, với một số chương trình ca nhạc do mình đứng ra tổ chức, VCPMC ngã giá tác quyền chẳng khác gì... mua mớ rau.

Chia sẻ về cách thu tiền tác quyền của VCPMC, NSND Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam - cũng cho rằng cần cân nhắc giữa các lĩnh vực, nếu vào tận bệnh viện, đám ma hay đám cưới thu tiền tác quyền thì rất phản cảm, không được nhân văn. Bà đưa ra kiến nghị: “Tôi nghĩ Cục Bản quyền tác giả trong quá trình soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 100/2006/NĐ-CP về thu phí quyền tác giả và các quyền liên quan, cần phải có quy định cụ thể, rõ từng câu chữ, trên cơ sở phù hợp với dân trí và điều kiện của Việt Nam. Ví dụ, bản quyền âm nhạc thì được phép thu ở những đâu? Ai là người có trách nhiệm trả phí sử dụng tác phẩm cho các nghệ sĩ? Quy định càng rõ sẽ càng dễ thực thi”.

NSND Thanh Hoa cũng chia sẻ thêm, chỉ khi đảm bảo được tính minh bạch thì các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan mới hoạt động thuận lợi. Bà cho rằng Dự thảo nghị định thay thế cần quy định cụ thể hơn về mức giá mà người sử dụng phải trả, để người dân cứ theo luật mà thực hiện, tránh việc nghệ sĩ phải đi mặc cả, cò cưa tiền tác quyền như đi mua rau./.

“Chúng tôi không thể đi đòi, không thể đến từng quán karaoke, quán càphê, khách sạn, rồi mặc cả như mua mớ rau, con cá ở chợ được. Hiện chúng tôi đang làm việc với một đơn vị khoa học. Họ sẽ cho chúng tôi những dữ liệu, ví dụ tháng này có bao nhiêu chương trình ca nhạc, sử dụng những tác phẩm nào, do ca sĩ nào thể hiện, vào giờ nào để chúng tôi tiến hành thu và chi được minh bạch, chuẩn xác nhất”. - NSND Thanh Hoa