Sau khi Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) đề nghị tạm dừng việc thu tiền bản quyền âm nhạc trên tivi trong phòng khách sạn, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lại bị phản ứng khi thu tiền với quán cà phê.
Trao đổi về những sự việc trên, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC - khẳng định: Trung tâm luôn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật với các nguyên tắc nghiêm minh, công khai, minh bạch trong hoạt động.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. |
VCPMC chỉ thu tiền cho những tác giả đã ủy quyền
Ông Phương cho biết, hiện nay VCPMC đại diện cho gần 4.000 tác giả trong nước và khoảng 4 triệu tác giả trên thế giới nhờ ký hợp đồng hợp tác song phương. Mỗi lần đi thương lượng, trung tâm không thể đưa hợp đồng của từng người ra cho các đơn vị kinh doanh được vì có khi phải cả xe tải mới chở hết.
“Về nguyên tắc, những ai muốn dùng nhạc của chúng tôi để phục vụ cho việc kinh doanh thì phải xin phép. Anh phải có nghĩa vụ thông báo cho chúng tôi, để thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền. Giờ anh đã không xin phép lại còn không chịu trả tiền, điều đó hết sức vô lý”, tác giả “Không thể và có thể” bày tỏ.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, VCPMC chỉ thu tiền cho những tác giả đã ủy quyền cho trung tâm. Các cơ sở kinh doanh muốn biết danh sách đấy thì phải đến trung tâm khai báo, cung cấp danh mục ca khúc sử dụng, rồi ký hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc. Sau khi ký hợp đồng, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Đầu tiên, trung tâm sẽ đối chiếu danh mục các ca khúc mà cơ sở kinh doanh sử dụng với danh mục ca khúc được ủy quyền cho trung tâm. Nếu chúng tôi thu sai, nhận vơ, chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm.
Luật pháp đã quy định rõ về quyền tài sản của các tác giả có quyền biểu diễn, sao chép và truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng các phương tiện khác nhau… Cụ thể là căn cứ về “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, khoản 1 Điều 23 Nghị định số 100/NĐ-CP. Theo đó, “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” bao gồm việc biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được, ngoại trừ tại gia đình.
Nếu chúng tôi gửi văn bản nhiều lần mà chủ các cơ sở kinh doanh vẫn trì hoãn việc đóng tiền tác quyền, thì chúng tôi buộc phải báo cáo với các cơ quan Nhà nước để tiến hành xử phạt. Theo khoản 3 Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đến 25.000.000 đồng. Nếu các chủ cơ sở kinh doanh tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ thì chúng tôi phải kiện họ ra tòa.
Hiện đang thu kiểu bình quân, “lọt sàng xuống nia”
Do điều kiện của Việt Nam, về mặt kỹ thuật, chúng ta chưa có cách nào để biết chắc được rằng trong 1.000 bài mà nhà hàng đó sử dụng, ca khúc nào được dùng nhiều, dùng ít, ca khúc nào không dùng. Chúng tôi đành chia theo bình quân, chia đều cho các tác giả. Đáng lẽ phải chính xác là theo đúng lượt nghe, đúng tần suất sử dụng. Thôi thì lọt sàng xuống nia!
Trong tương lai, chúng tôi sẽ đầu tư công nghệ, phần mềm, để trả tiền cho các hội viên theo đúng lượt nghe. Ngoài ra, trung tâm sẽ làm lại trang web, để đăng tải toàn bộ những ca khúc của các tác giả là hội viên để dư luận, cơ sở kinh doanh được biết.
VCPMC thu được hơn 35 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng khẳng định, không có chuyện dừng thu tiền tác quyền âm nhạc trong quán cà phê. Thực tế, VCPMC bắt đầu thu tiền tác quyền đối với các quán cà phê từ năm 2002. Năm 2016, số tiền tác quyền thu được ở các quán cà phê là 2.865 tỉ đồng của 607 đơn vị kinh doanh; 5 tháng đầu năm 2017, trung tâm thu được 1.070 tỉ đồng của 123 đơn vị kinh doanh.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ có lộ trình thu phí tác quyền trong từng lĩnh vực, như trên taxi, phương tiện giao thông chuyên chở, cơ sở massage…, nếu dùng nhạc để phục vụ khách hàng của mình. Nguyên tắc là, tất cả các tổ chức và cá nhân sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh của mình thì phải xin phép và trả tiền”, ông nói./.