Trong thời gian gần đây, vấn đề thu phí bản quyền tác giả và các quyền liên quan đã thu hút sự quan tâm của công luận. Nhất là từ khi phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bị các chủ khách sạn phản ứng về việc đếm đầu tivi thu tiền tác quyền trong phòng ngủ khách sạn.

Ngoài ra, những vấn đề về thu tiền bản quyền âm nhạc trong bệnh viện, bãi đỗ xe… cũng gây tranh cãi, dù phía trung tâm của nhạc sĩ Phó Đức Phương thực hiện theo đúng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ - nơi nào dùng âm nhạc để kinh doanh thì phải trả tiền tác quyền.

Trong hội thảo góp ý về Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, diễn ra ngày 26.7 tại Hà Nội, vấn đề cách thu và cách chi của VCPMC đã được các đại biểu nhắc tới và đưa ra bàn luận.

NSND Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam – thẳng thắn cho rằng, việc Trung tâm VCPMC, do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc, tiến hành thu tiền cả ở những nơi như bệnh viện là không nên, vì thiếu tính nhân văn.

tien_tac_quyen_am_nhac_bogq_bjbb_dwuk.jpg
Hội thảo phản biện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 100/2006/NĐ-CP về thu phí quyền tác giả và các quyền liên quan do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ảnh: B.H

“Tôi nghĩ Cục Bản quyền tác giả trong quá trình soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 100/2006/NĐ-CP về thu phí quyền tác giả và các quyền liên quan, cần phải có quy định cụ thể, rõ từng câu chữ. Ví dụ, bản quyền âm nhạc thì được phép thu ở những đâu? Ai là người có trách nhiệm trả phí sử dụng tác phẩm cho các nghệ sĩ? Nếu không làm rõ những vấn đề đó thì có thể dẫn đến việc thu tùy tiện.

Nếu muốn pháp luật được thực thi nghiêm túc thì phải có các quy định rõ ràng. Chúng ta ngồi đây sửa câu chữ nhưng nếu quy định không rõ ràng và không đi vào những quy định bắt buộc để người dân hiểu và trả tiền bản quyền thì chúng ta không thể đi đòi tiền bản quyền như đi đòi mớ rau ngoài chợ.

Tôi cũng nghĩ, tất cả những người sử dụng âm nhạc để kinh doanh thì chắc chắn phải trả tiền bản quyền cho tác giả, quyền liên quan. Nhưng với những nơi như đám ma, đám cưới hay bệnh viện…, cần phải xem xét lại, vì thực sự rất nhạy cảm” – nghệ sĩ Thanh Hoa chia sẻ.

Bà cũng dẫn chứng trường hợp khi bà đi hát ở trong bệnh viện, không bao giờ lấy tiền cátxê. Vì cực chẳng đã người dân mới phải vào viện, nếu âm nhạc của mình giúp tinh thần của họ tốt hơn thì đó là tính nhân văn.

“Nếu đến cả bệnh viện để thu tiền tác quyền, tôi thấy chưa được văn hóa lắm” - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam nói thêm.

Ngoài ra, nghệ sĩ Thanh Hoa cũng cho rằng, trong nghị định thay thế về quyền tác giả, quyền liên quan cần nhấn mạnh vào chuyện minh bạch thu chi tiền tác quyền: “Đó là điều vô cùng quan trọng. Muốn lấy được niềm tin của đông đảo bà con, để người ta vui vẻ trả tiền cho các nghệ sĩ thì trước tiên mình phải minh bạch. Càng minh bạch, càng cụ thể thì ngay cả nghệ sĩ, những hội viên cũng sẽ tin tưởng mình”.

Ngoài tính minh bạch trong thu và chi trả tiền tác quyền, các đại biểu tham gia hội thảo còn đưa ra góp ý với Cục Bản quyên tác giả (Bộ VHTTDL), khi soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 100/2006/NĐ-CP về thu phí quyền tác giả và các quyền liên quancần nhấn mạnh hơn nữa đến các quyền liên quan, việc làm tác phẩm phái sinh, sao chép tài liệu, giáo trình khoa học... để đảm bảo mọi sản phẩm trí tuệ của tác giả đều được pháp luật bảo hộ.