“Đối với Vũ Bằng, báo chí chỉ là cái nghề. Còn nghiệp của ông, tâm hồn và ý chí của ông lại ở văn chương, mà hai tác phẩm ‘Thương nhớ mười hai’ và ‘Món ngon Hà Nội’ là nơi ông gửi gắm lòng mình, là nỗi niềm đau đáu về một phương trời suốt mấy chục năm đằng đẵng xa quê”. Đó là nhận định của các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học tại lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, nhà báo Vũ Bằng, vừa diễn ra sáng 20/12 tại Hà Nội.

“Thương nhớ mười hai” và “Món ngon Hà Nội” cũng chính là dấu ấn sự nghiệp, thể hiện rõ sự kết hợp văn hoá Đông –Tây trong con nguời nhà văn, nhà báo Vũ Bằng.

Tại lễ kỉ niệm, nhà văn Hoàng Quốc Hải (tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử “Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý”) nhận định: cùng với các nhà văn Phạm Duy Tốn, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan…Vũ Bằng đã đóng góp cho văn đàn Việt Nam giữa thế kỉ 20 những tác phẩm báo chí, văn học đậm chất hiện thực.

“Nhà văn Vũ Bằng đã đi tiên phong trong một trào lưu mới về ngôn ngữ, đổi mới phong cách viết. Còn nội dung tư tưởng thì các tác phẩm ấy đã tạo nên những nhân vật với lối sống lành mạnh. Họ có những hành động táo bạo nếu không muốn nói là hướng về nền văn hoá thuộc về bản chất của dân tộc. Ông muốn đắm mình vào việc đấu tranh cho lợi quyền dân tộc và đấu tranh cho dân chủ, công bằng xã hội mặc dù sống trong gông cùm của thực dân Pháp” – nhà văn Hoàng Quốc Hải cho biết.

Vũ Bằng (3/6/1913 – 7/4/1984), tên thật là Vũ Đăng Bằng, là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam từ đầu những năm 30 của thế kỉ truớc. Tên tuổi ông gắn với tờ “Trung Việt Tân Văn” với sở trường viết truyện ngắn, tùy bút, bút kí... Sau năm 1954, ông đã vào Sài Gòn để làm báo và hoạt động cách mạng.

Ngoài bút hiệu Vũ Bằng, ông còn ký với các bút hiệu khác: Tiêu Liêu, Vịt Con, Thiên Thư, Vạn Lý Trình, Lê Tâm, Hoàng Thị Trâm... Bên cạnh “Hà Nội 36 phố phuờng” của Thạch Lam thì “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng đã tạo nên một vệt văn học, gợi ý, kích thích cho nhiều nhà văn lớp sau viết về văn hoá Hà Nội. Sau ông, đó là Băng Sơn, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý...

Nhà báo, nhà văn Vũ Bằng được truy tặng Giải thuởng Nhà nuớc về văn học nghệ thuật năm 2007./.