Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế "Vai trò của Di sản Văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Quỹ Nguồn lực Châu Á tổ chức hôm nay (26/11), tại Đồng Nai, các đại biểu dự phiên họp chung với chủ đề “Vai trò của giáo dục hướng tới bảo tồn di sản”.

my-son.jpg
Di sản văn hóa thế giới- Khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam

Các đại biểu đến từ nhiều nước như Campuchia, Afghanistan… chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản. Trong đó, cách hiệu quả nhất là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ, chỉ cho mọi người thấy lợi ích khi gìn giữ những di sản này.

Ở Campuchia, chương trình giáo dục di sản cho sinh viên được lên kế hoạch và triển khai một cách có hệ thống ở tất cả các trường. Các sinh viên sẽ tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích được về di sản và văn hóa địa phương mình, từ đó nâng cao sự quan tâm, ý đối với việc bảo tồn di sản.

Phiên họp đưa ra thông điệp: Di sản văn hóa không chỉ đưa đến cơ hội cho mọi người được gặp gỡ, hiểu biết và có kiến thức nhiều hơn về các nền văn hóa khác mà còn là một công cụ then chốt trong việc duy trì và phát triển hòa bình. Muốn bảo vệ được di sản thì cần sự chung tay của toàn xã hội và đó cũng chính là yếu tố quan trọng giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn.

Ông Nizamuddin Katawazi, Giám đốc điều hành tổ chức Hòa bình và quyền con người Afghanistan nói: Tôi đến từ Afghanistan, đất nước có nhiều  xung đột từ 3 thập kỷ qua. Chúng tôi nhiều kinh nghiệp trong bảo tồn di sản văn hóa thời chiến. Việc bảo tồn di sản thời chiến rất khó. Chúng tôi đã mất mát nhiều di sản trong 3 thập kỷ qua và hiện vẫn còn đối mặt với vấn đề này. Tôi nghĩ rằng quan chức địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn vì họ là người có nhiều kiến thức nhất về các di sản văn hóa tại địa  phương và cách thức bảo vệ. Việc này cũng mang lại sự đoàn kết thống nhất và duy trì hòa bình./.