Nghệ thuật thủ công làm giấy Washi có từ thế kỉ thứ 8. Loại giấy này không chỉ dùng để viết mà được ứng dụng rất đa dang trong in ấn, dùng làm màn che, cửa chớp, rèm.
Sau khi UNESCO công bố kết quả, ông Masanori Aoyagi, Cục trưởng Cục Văn hóa Nhật Bản vui mừng nói: “Washi là kỹ thuật làm giấy truyền thống, có thể đạt chất lượng tốt nhất thế giới, đặc biệt dùng trong in ấn, hội họa. Người dân Nhật Bản rất vui mừng khi nghề làm giấy Washi được bổ sung vào danh sách di sản cần bảo vệ”.
Nguyên liệu để tạo ra giấy Washi là vỏ của một số cây bản địa. Ngày nay, sản xuất giấy thông thường trở nên rẻ hơn nên đã tác động mạnh đến nghề sản xuất giấy truyền thống Washi, vốn là một quá trình tốn nhiều công sức và thời gian.
Ông Shigeki Miyata, thành viên đoàn đại biểu Nhật Bản có mặt tại Paris (Pháp) dự cuộc họp xét duyệt của UNESCO cho biết: “Washi là một trong những nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống đặc trưng nhất của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, nghề sản xuất giấy hiện đại đã rất phát triển và nhu cầu về giấy Washi suy giảm. Sau khi được đưa vào danh sách các di sản phi vật thể cần bảo tồn thì nghề thủ công làm giấy Washi sẽ tiếp tục được truyền cho các thế hệ tương lai, đó mới là điều quan trọng”.
Năm ngoái, Washoku - ẩm thực truyền thống Nhật Bản cũng đã được đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể cần bảo tồn./.