Năm 1994 Vịnh Hạ Long chính thức trở thành Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Vào ngày 1/11 tới đây, lễ kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được vinh danh sẽ được UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức long trọng với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Dù còn nhiều việc cần làm để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị, song thời gian qua, những nỗ lực to lớn của Ban quản lý Vịnh Hạ Long nhằm giải quyết một cách toàn diện các vấn đề về bảo tồn mà Ủy ban Di sản thế giới (UBDSTG) của UNESCO khuyến nghị nêu ra trước đó đã được khen ngợi và đánh giá cao.
Nỗ lực thoát diện khuyến nghị bảo tồn
Những năm gần đây, từ kỳ họp thứ 33 (năm 2009) của UBDSTG, Vịnh Hạ Long luôn được khuyến nghị về công tác quản lý, bảo tồn xung quanh các vấn đề tác động của du lịch, xây dựng, nuôi trồng thủy sản, môi trường, đe dọa đến các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Cụ thể, những khuyến nghị lần đầu đối với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã được UBDSTG đặt ra tại Quyết định số 33 COM 7B.20 năm 2009 với nội dung yêu cầu Việt Nam giải trình về công tác bảo tồn vịnh Hạ Long gồm kế hoạch sử dụng bền vững Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn; đánh giá công tác quản lý di sản từ những áp lực phát triển du lịch, đô thị và công nghiệp, hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản.
“UBDSTG thể hiện quan ngại sâu sắc rằng những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này vẫn phải chịu sức ép của du lịch, đánh bắt cá và các hoạt động khác diễn ra ngay trong lòng di sản bên cạnh những dự án phát triển kinh tế và các hoạt động đổ rác thải trong khu vực xung quanh di sản”, trích quyết định số 33 COM 7B.20 của UBDSTG năm 2009.
Trên thực tế, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Bà Katherine Muller-Marine, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá các cơ quan quản lý đã đạt được những bước tiến đáng kể trong công tác bảo tồn Vịnh Hạ Long. Bà khẳng định: “Công tác bảo vệ kỳ quan thiên nhiên trong bối cảnh phát triển công nghiệp và đô thị ngày càng tăng thì việc duy trì quản lý du lịch bền vững, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và xúc tiến mối quan hệ lành mạnh giữa các cộng đồng địa phương và môi trường thiên nhiên luôn được đánh giá cao”.
Bà Katherine Muller-Marine cho biết, các cơ quan quản lý Vịnh Hạ Long đã có những hành động nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động phát triển công nghiệp bên ngoài khu di sản như việc xây dựng đường bộ. Các vấn đề xã hội đi đôi với tăng trưởng nhanh dân cư làng nổi, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản không bền vững và số lượt khách du lịch gia tăng cũng đã được giải quyết.
Tháng 6 vừa qua, đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh do Phó chủ tịch tỉnh Vũ Thị Thu Thủy làm trưởng đoàn đã trực tiếp tham dự hội nghị thường niên (lần thứ 38) của UBDSTG tổ chức tại Doha, Qatar. Tại cuộc họp, UBDSTG đã ghi nhận công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long có nhiều chuyển biến tích cực. Quyết định của kỳ họp lần này hoan nghênh những tiến bộ trong việc tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết những thách thức đặt ra cho khu di sản này cũng như sự chỉ đạo và nỗ lực của tất cả các bên tham gia. Đồng thời, Ủy ban xác định các vấn đề quan trọng tạo cơ hội tiếp tục và tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long không chỉ cho thấy câu chuyện thành công bảo tồn và quảng bá di sản thiên nhiên này trên khắp đất nước và thế giới, mà còn là một ví dụ hoàn hảo của hệ sinh thái độc đáo được gìn giữ ở Việt Nam”.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản
Theo kế hoạch, vào tháng 2/2015, Việt Nam sẽ có báo cáo cuối cùng về tình hình bảo tồn vịnh Hạ Long. Bà Katherine Muller-Marine cũng đưa ra những khuyến nghị về hành động trong tương lai nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn di sản Vịnh Hạ Long.
Bà Katherine cho rằng, UBDSTG luôn khuyến khích tăng cường năng lực quản lý của Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long cho phép cơ quan này có một mức độ tự chủ, thẩm quyền và quyền quyết định lớn hơn nhằm quản lý một cách hiệu quả và đẩy mạnh công tác bảo tồn Vịnh. Quyết định của UBDSTG cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục giảm sức ép về khách du lịch xuống một mức độ phù hợp để bảo tồn lâu dài cũng như tăng đầu tư cho BQL và cộng đồng địa phương từ nguồn thu từ những khách du lịch này.
Điều thiết yếu là phải có sự tham gia của cộng đồng địa phương và họ phải được hưởng lợi. Khu vực tư nhân phải đóng một vai trò tích cực và có trách nhiệm, và phải đóng góp với nhận thức rằng cách duy nhất để phát triển liên tục là thông qua đầu tư dài hạn và đảm bảo rằng những gì mà khách du lịch gần xa đến để chiêm ngưỡng, luôn tồn tại ở đó để họ thưởng ngoạn trong hiện tại cũng như trong tương lai.
“Những làn nước trong suốt như pha lê, môi trường trong lành, các dịch vụ an toàn và hiệu quả hòa hợp với thiên nhiên, sự tôn trọng người dân địa phương, tôn trọng cây cối và động vật, tất cả đều được ghi vào danh mục những điều yêu thích của khách du lịch và sẽ trở thành những lý do để họ trở lại một, hai và nhiều lần nữa. Đầu tư vào việc thu hút một khách du lịch ở lại lâu hơn và trở lại cùng với gia đình và bạn bè là một sự đầu tư đáng giá. Lôi cuốn sự tham gia của khách du lịch và lắng nghe họ sẽ giúp thiết lập những quan hệ gần gũi hơn và cung cấp những dịch vụ tốt hơn”, bà Katherine nhấn mạnh.
Điều cuối cùng, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, chúng ta cần phải nâng cao giáo dục di sản trong trường học nhằm đảm bảo là các thế hệ mai sau luôn quý trọng và gìn giữ di sản kỳ vĩ này của Việt Nam và thế giới./.