“Những ngày văn hóa Việt Nam tại LB Nga” đã chính thức khai mạc tối 25/6 tại thủ đô Moskva và sẽ kéo dài đến 30/6 tại 3 thành phố Moskva, St. Peterburg và Yaroslav.
Như đáp ứng mong đợi của những người bạn Nga về một hoạt động văn hóa hữu nghị 2 năm một lần này, đêm khai mạc “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga” đã diễn ra thật sinh động, hấp dẫn bởi những tiết mục ca, múa, nhạc đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc đêm ca nhạc, cũng là chính thức khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Văn hóa LB Nga - Vladimir Alechanđr nhấn mạnh: “Hai nước chúng ta đã có được lịch sử lâu đời của tình hữu nghị gắn kết chặt chẽ, tác động qua lại của lĩnh vực văn hóa, thu được những thành tựu quan trọng nhất trong quan hệ song phương ấy... Tôi tin tưởng rằng, hoạt động của những ngày này sẽ trở thành một đóng góp mới cho quan hệ song phương giữa hai nước”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao Việt Nam Hoàng Tuấn Anh cũng khẳng định rằng, đây là cơ hội để khán giả Liên bang Nga và bạn bè quốc tế đang sinh sống, làm việc tại đây hiểu sâu hơn về nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc, đồng thời biết được thế mạnh ngành thể thao cũng như tiềm năng du lịch to lớn của Việt Nam.
Một chương trình ca múa nhạc đặc sắc đã được các nghệ sỹ Việt Nam cùng các vận động viên môn phái võ Vovinam trình diễn đã nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của đông đảo những người Nga yêu mến Việt Nam. Trong số họ có nhiều người lần đầu tiên có dịp tham dự hoạt động đặc sắc này và nhiều sinh viên Nga đang theo học ngành Việt Nam học.
Cũng trong khuôn khổ “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga”, một triển lãm tranh sơn mài đã diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật các dân tộc phương Đông và mở cửa đón khách tham quan hàng ngày từ 25- 30/6. Triển lãm trưng bày 30 tác phẩm nhằm giới thiệu về nét giá trị đặc biệt của tranh sơn mài Việt Nam.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, đây là những tác phẩm sơn mài có vẻ đẹp kỳ diệu ẩn sâu dưới lớp sơn, vừa sang, vừa lộng lẫy và rất đằm thắm, tinh tế như tâm hồn người Việt. Trải qua thời gian và sự sáng tạo của nhiều thế hệ họa sĩ, chất liệu sơn mài Việt Nam có khả năng diễn đạt được nhiều đề tài, nhiều trường phái, xu hướng nghệ thuật khác nhau, thể hiện nét độc đáo trong bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nghệ sỹ violon tài năng của Việt Nam Bùi Công Duy, hiện đang có mặt tại Moskva tham gia ban giám khảo tại một giải thi âm nhạc rất danh giá mang tên Trai-kôv-xki dành cho các tài năng trẻ, cũng tới tham dự lễ khai mạc “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga”. Anh chia sẻ: “Tôi thấy rất mừng khi càng ngày, chương trình chúng ta xây dựng càng chặt chẽ, càng chuyên nghiệp hơn và giới thiệu được nhiều khía cạnh của đất nước Việt Nam.”
Thông qua “Những ngày Văn hóa VN tại LB Nga” Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm: “Qua sự kiện lần này, chúng ta có 5 mong muốn. Thứ nhất là sự trao đổi văn hóa giữa nước ta và Liên bang Nga sẽ diễn ra thường xuyên và nâng cao chất lượng hơn. Thứ hai là làm sao người dân Việt Nam và Nga ngày càng có hiểu biết về văn hóa của mỗi nước, qua đó tăng cường hiểu biết nhau nhiều hơn. Thứ ba là chúng ta mong rằng các bạn sẽ hỗ trợ chúng ta hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Nga, để qua đó chúng ta rút king nghiệm làm sao phát huy truyền thống văn hóa của mình. Thứ tư là mong sao các bạn Nga dành cho chúng ta nhiều học bổng hơn ở các trường điện ảnh, múa v.v...”.
“Cuối cùng là chúng ta và Nga sẽ tổ chức thường xuyuên hơn những ngày văn hóa tại mỗi nước của nhau, để các bạn trẻ có thể hiểu kỹ hơn về sự gắn bó truyền thống của cha ông trước đây. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ phải vun đắp truyền thống đó để phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước”.
Bên cạnh đó, “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga” còn tổ chức cuộc tọa đàm về tình hình hợp tác văn học, văn hóa nghệ thuật Việt Nam – Liên bang Nga; Chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam tại Liên bang Nga và “Những ngày Phim Việt Nam tại Nga”, được khai mạc vào tối 26/6 tại Rạp chiếu Phim Illuzion. Chương trình chiếu phim sẽ có các bộ phim đặc sắc như “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy”, “Cát bỏng”, “Cô dâu nổi loạn” v.v... ./.