Hoạt động văn hóa, triển lãm với chủ đề “Chuyện sơn mài Việt Nam” giới thiệu khái quát về nghề truyền thống sơn mài, từ nguồn gốc, công cụ khai thác, công cụ chế tác đến kỹ thuật chế tác và hiện thực phát triển của nghề trong hai lĩnh vực có nhiều giao lưu văn hóa với thế giới là: mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật tạo hình.

s1_iifv.jpg
“Chuyện sơn mài Việt Nam” giới thiệu khái quát về nghề truyền thống sơn mài

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: nghề sơn mài truyền thống Việt Nam đang được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các nước có di sản văn hóa phi vật thể nghề sơn mài truyền thống xây dựng hồ sơ đa quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO để được xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tín hiệu tích cực trong việc góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống Việt Nam. Hoạt động văn hóa, triển lãm “Chuyện sơn mài Việt Nam” là hoạt động thiết thực góp phần quảng bá và tôn vinh nghề sơn mài truyền thống của dân tộc.

Bà Trần Thị Thúy Lan nói: “Bên thềm của việc chuẩn bị cho hồ sơ này, chúng tôi quyết định chọn nghề sơn mài để tuyên truyền và lấy chủ đề chương trình là “Chuyện sơn mài Việt Nam”. Trong hoạt động này chúng tôi rất mừng được phối hợp với rất nhiều các nghệ nhân làng nghề sơn mài, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa”.

Hoạt động văn hóa, triển lãm nghề sơn mài truyền thống diễn ra tại 3 điểm: Đình Kim Ngân, Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây và Trung tâm Giao lưu văn hóa phổ cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ. Nhiều sản phẩm sơn mài với những chủng loại phong phú, khả năng tạo hình độc đáo được trưng bày tại đây. Bên cạnh trưng bày sản phẩm còn diễn ra hoạt động trình diễn các công đoạn làm đồ sơn mài truyền thống.

 

Tham dự chương trình PGS-TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết: “Ở đây tôi thấy có rất nhiều sản phẩm có niên đại lâu đời rất độc đáo và rất quý, tiêu biểu cho nghề sơn mài Việt Nam. Các hoạt động này rất có ý nghĩa, thứ nhất là cho những người đương thời, nhất là lớp trẻ hiểu thêm về nghề truyền thống; thứ hai thông qua đó tôn vinh những người đã sáng tạo ra các nghề thủ công truyền thống để truyền lại cho nhân dân. Chính những nghề này giúp cuộc sống của người dân được nâng cao. Ngoài giá trị về mặt kinh tế thì còn có một ý nghĩa về mặt văn hóa rất sâu sắc”.

Hoạt động sẽ diễn ra đến hết ngày 2/5 tới. Trong khuôn khổ chương trình, vào ngày 23/4 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 phố Đào Duy Từ sẽ diễn ra buổi tọa đàm “Sơn mài Việt Nam truyền thống và đương đại”./.