“Với họa sĩ, vẽ tranh luôn là một thôi thúc mãnh liệt để đối diện với chính mình, là cơ hội để bộc lộ bản ngã của một gã trai vẫn ẩn mình trong tấm áo choàng thâm thời cuộc, là thách thức của một kẻ phiêu lưu trong thế giới huyền ảo không bến bờ nghệ thuật. Được sống với hội họa chẳng khác nào được làm nô lệ nơi thiên đàng”. Họa sĩ Trần Quang Hải chia sẻ.
Không nhiều người biết họa sĩ Trần Quang Hải vốn là một chủ thầu xây dựng trước khi chuyển hướng làm nghệ thuật. Vốn say mê hội họa nhưng nhà nghèo và thiếu một chút may mắn đã khiến anh phải dang dở ước mơ theo học ngành kiến trúc mà đi theo ngành xây dựng.
Gắn bó với gốm và từng trải nghiệm với nhiều chất liệu như sơn dầu, bột màu, màu nước,… nhưng phải đến khi tiếp xúc với sơn mài, anh mới như tìm thấy và hài hước ví von “quen rất nhiều cô gái đẹp nhưng rồi lại “phải lòng” cô gái có tên sơn mài”. Có lẽ vì yêu những vỏ sò, vỏ điệp đậm chất liệu rất Việt Nam mà anh đã say mê và yêu thích sơn mài. Anh tâm sự anh rất yêu những chất liệu nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, yêu từng nét, từng chút tâm hồn Việt Nam thấp thoáng ẩn hiện trong từng bức tranh sơn mài.
Sắp bước sang tuổi 60 nhưng họa sĩ Trần Quang Hải vẫn quyết đi theo “con đường hun hút gập ghềnh”. Vẽ tranh sơn mài khó và đòi hỏi nhiều kĩ thuật Trần Quang Hải rất buồn khi chia sẻ tranh sơn mài Việt Nam hiện bị mất uy tín tại thị trường nước ngoài do thiếu kĩ thuật làm tranh, chất lượng sơn lại không có tiêu chuẩn cụ thể, gặp khí hậu lạnh màu tranh nhanh chóng bị phai, không bền màu.
Trần Quang Hải mong muốn tạo nên bước chuyển mới cho kĩ thuật sơn mài tạo ra như cách đánh sơn bằng ống (thay vì bằng bát như các họa sĩ đang làm hiện nay) hay chủ động về kĩ thuật mài tranh, không chờ mong vẻ đẹp ngẫu nhiên xuất hiện như nhiều họa sĩ vẫn gọi đùa sơn mài là “sơn mò”./.