Nghệ thuật múa rối Việt Nam đã có từ lâu đời với hai loại hình là rối nước và rối cạn. Tuy nhiên nếu nghệ thuật rối nước đã được bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao thì sự phát triển nghệ thuật rối cạn còn khiêm tốn. Nhiều tiết mục rối cạn rơi vào sự mô phỏng sân khấu kịch, trò ít, lời nhiều... Làm gì để nghệ thuật rối cạn Việt Nam phát triển đang là câu hỏi được nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu sân khấu quan tâm. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam về vấn đề này.

P.V:Nghệ thuật múa rối Việt Nam đang có sự phát triển không cân xứng giữa rối nước và rối cạn. Theo ông, nguyên nhân từ đâu lại xuất hiện sự khập khiễng này?

Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao: Tôi cho là lỗi không phải ở rối nước hay rối cạn mà lỗi chính là ở những người tổ chức. Bởi diễn rối nước hiện nay rất đơn giản, nhà hát chỉ cần ký hợp đồng với người có tour, diễn ngày 4, 5 xuất, diễn quanh năm. Nhàn hạ mà vẫn có thu nhập.
2_nguyen1239.jpg
Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam (Ảnh: Công an nhân dân)
Còn rối cạn thì khi khách quốc tế đến Việt Nam, họ không có nhiều thời gian nên họ không thể đi xem nhiều loại hình mà phải chọn cái gì là đặc sản của Việt Nam. Đây là những nguyên nhân tích tụ lâu ngày khiến người nghệ sĩ ỉ lại. Còn thực chất rối cạn rất hấp dẫn. Đây là lỗi của nhà hát và những người tổ chức. Tôi cho rằng hãy trân trọng rối cạn thì khán giả cũng đến xem rối cạn đông như rối nước. 
P.V: Ông có thể nói rõ hơn những ưu điểm và lợi thế để phát triển rối cạn nước ta hiện nay?

Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao: Rối cạn Việt Nam có nhiều lợi thế. Lợi thế đầu tiên đó là mình có rối cạn cổ truyền. Thứ 2, là mình có nhiều câu chuyện cổ tích, thần thoại hấp dẫn có thể dựng được rối cạn. Trong khi đó những cốt chuyện này giới thiệu ở rối nước lại rất khó bởi sự hạn chế trong khả năng biểu diễn của rối nước. Bên cạnh đó, mình có rất nhiều loại hình nghệ thuật như: Tuồng, chèo, cải lương… nghệ thuật rối cạn đều có thể “nhại hay bắt chước” được. Ví dụ như ở Trung Quốc người ta đã sử dụng rối cạn bắt chước kinh kịch rất thành công. Ngoài ra, hiện nay sự giao lưu của mình với thế giới là rất chặt chẽ, nhiều nước không có rối nước mà chỉ có nghệ thuật rối cạn. Do đó mình có thể học trực tiếp nghệ thuật rối cạn từ những nền nghệ thuật phát triển. Đây là tôi chỉ điểm một số thuận lợi cho sự phát triển rối cạn ở mình.

P.V: Như ông nói chúng ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển nghệ thuật rối cạn cũng như có những vở diễn hay. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây, rối cạn vẫn chưa có nhiều tác phẩm hấp dẫn công chúng. Ông nghĩ sao về điều này?

Một vở rối cạn mang tên "Câu chuyện tình người" (Ảnh: Nhà hát Múa rối Việt Nam)
Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao: Rối cạn Việt Nam cũng có những trò diễn, những tiết mục hay, nhưng số mà hay thì ít hơn số dở. Thế giới bất đồng ngôn ngữ mà anh diễn rối cạn anh cứ nói như kịch nói thì làm sao người ta có thể hiểu. Trong khi đó ngôn ngữ nghệ thuật của múa rối là không có lời. Chúng ta đang đi ngược lại với ngôn ngữ nghệ thuật của múa rối. Khán giả đến để xem tài biểu diễn của các nghệ sĩ chứ không phải đến để nghe diễn viên nói. Bởi khán giả đến với múa rối thì luôn muốn xem con rối hoạt động như thế nào. Thực tế sáng tạo lời nói trong vở diễn bao giờ cũng dễ hơn sáng tạo kỹ thuật, nghĩ ra trò diễn. Dần dần khán giả quay lưng lại với rối cạn Việt Nam và khi mình thấy khán giả ít quan tâm đến rối cạn thì các nhà hát cũng lơ là. Do đó, dần dần rối cạn bị chìm đi.    

P.V: Theo ông, chúng ta phải làm như thế nào để nghệ thuật rối cạn có thể đồng hành và phát triển như rối nước?

Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao: Theo tôi, điều đầu tiên là cần có người tâm huyết, yêu nghề và có tâm với nghề. Thứ hai là chúng ta cần những nghệ sĩ tài năng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố con người. Làm sao để quần chúng thấy anh sinh ra để làm nghề này, người nghệ sĩ múa rối phải thành công được như thế.

P.V:Xin cảm ơn ông./.