Đó là ý kiến của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật múa rối Việt Nam nhận định tại Hội thảo “Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới”. Sự kiện do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức chiều nay (27/3) tại Hà Nội.

Hiện nay cả nước có 5 đơn vị nghệ thuật múa rối công lập và hàng chục phường rối cổ truyền cũng như câu lạc bộ, gia đình múa rối hoạt động tại nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều dự án phát triển nghệ thuật múa rối gắn với du lịch, lễ hội văn hoá đã được đầu tư. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội thảo, sân khấu múa rối đang phát triển không cân đối, thiếu những tiết mục có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, thiếu hơi thở mới, sức bật mới.

Sự tinh tế trong việc biểu diễn các tiết mục cũng chưa cao. Đặc biệt, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nghệ thuật múa rối đang thiếu đội ngũ kế thừa về biên kịch, đạo diễn và nghệ sĩ tạo hình.

Theo nghệ sĩ Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam, nhiều năm nay, loại hình múa rối cạn không có một đạo diễn nào được đào tạo chính thống: “Con người đang là vấn đề của nghệ thuật múa rối hiện nay. Nếu không kịp thời đào tạo thì đúng là đếm trên đầu ngón tay số tác giả và đạo diễn múa rối. Còn ở các phường thì các nghệ nhân cũng dần ra đi hết rồi. Chúng ta cần kịp thời đạo tạo để giữ lại nghề múa rối”.

Có thể nói, 17 tham luận trình bày tại hội thảo đã phần nào phản ánh thực trạng, thách thức của nghệ thuật múa rối Việt Nam hiện nay. Từ hội thảo này, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật múa rối sẽ đề ra hành động thực tiễn để bảo tồn, phát triển múa rối dân tộc, hiện đại, hiện thực hoá những giải pháp xây dựng tiết mục múa rối cho công chúng…/.