Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội và kỷ niệm 1300 năm dựng thành Heiz-zyou-kyo (còn được gọi là Bình Thành Kinh), tại cố đô Nara của Nhật Bản, trong tháng 2 này đang diễn ra một loạt hội thảo quốc tế và diễn thuyết của các nhà khoa học nghiên cứu khảo cổ khu vực châu Á về công tác khai quật khảo cổ và bảo vệ di tích, di sản thế giới.

Tám năm qua, Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác tiến hành nghiên cứu các di tích và cổ vật được khai quật tại khu di tích hoàng thành Thăng Long. Bài diễn thuyết về kết quả nghiên cứu khảo cổ tại khu hoàng thành Thăng Long của Tiến sĩ Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm dự án Hoàng thành Thăng Long và Giáo sư Kunikazu-Ueno thuộc Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật khảo cổ Đại học Nara đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu khảo cổ học của Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Indonesia tham dự hội thảo đánh giá cao, coi đây là một trong những công trình nghiên cứu khảo cổ có giá trị cần được UNESCO công nhận.

Phóng viên VOV thường trú tại Nhật Bản có phỏng vấn Tiến sĩ Tống Trung Tín về quá trình cũng như kết quả nghiên cứu khảo cổ khu hoàng thành Thăng Long.

** Xin Tiến sĩ cho biết, lịch sử Thăng Long được tái hiện thế nào qua quá trình khai quật và phân tích của các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản?

Tiến sĩ Tống Trung Tín: Lịch sử kinh thành Thăng Long đã trải qua 1.000 năm từ buổi đầu thành lập, song thực sự bắt đầu từ sớm hơn nữa, ít nhất khoảng thế kỷ thứ 7. Nếu tính cả chiều dài lịch sử từ chứng tích để lại tại khu Hoàng thành Thăng Long, lịch sử Thăng Long cũng có bề dày lịch sử 1.300 năm. Thời kỳ tiền Thăng Long lúc đó chỉ là một đô phủ của khu vực trung tâm châu thổ Bắc bộ.

Công tác nghiên cứu về lịch sử Thăng Long đã được tiến hành từ nhiều thế kỷ qua. Ít nhất là từ khi những người Pháp tiến hành, sau đó các nhà nghiên cứu sử học và các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu khai quật để nhận diện kinh đô Thăng Long. Những vị trí, qui mô cũng như cấu trúc được các nhà nghiên cứu lích sử và nhà khảo cổ Việt Nam phác dựng phần nào, nhưng chân dung cũng như dấu vết đích thực của kinh đô Thăng Long thì vẫn chưa được tìm thấy, qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử  toàn bộ dấu vết kinh thành hầu như đã biến khỏi mặt đất.

Trên mặt đất chỉ còn sót lại một vài dấu vết quan trọng như Điện Kính Thiên - trung tâm của kinh thành Thăng Long thời Lê, hay cửa Đoan Môn - cửa chính của cấm thành Thăng Long. Ngoài ra, đến thời Nguyễn (thế kỷ 19), sau khi phá bỏ kinh thành Thăng Long, nhà Nguyễn đã xây dựng thành Hà Nội, rồi thành Hà Nội cũng bị mất đi. Dấu tích thành Hà Nội còn lại là cột cờ Hà Nội và Bắc Môn.

cong-tac-khai-quat-tien-han.jpg
Công tác khai quật được tiến hành 8 năm qua

** Các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện được gì dưới lớp đất của khu Hoàng thành Thăng Long trong thời gian qua?

Tiến sĩ Hoàng Trung Tín: Trước cuộc khai quật lớn năm 2002 theo quyết định của Chính phủ Việt Nam, rất ít người biết có còn hay không các dấu tích về Thăng Long ở dưới lòng đất. May mắn thay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật trong khu vực trong thành Hà Nội tại địa điểm 18 Hoàng Diệu một tầng văn hóa cổ rất dày nằm ở độ sâu khoảng từ 2 đến 4 mét. Qua nghiên cứu tầng văn hóa đó, các nhà khảo cổ phát hiện được rất nhiều lớp văn hóa cổ của nhiều thời kỳ khác nhau chồng xếp lên nhau.

Ở mỗi một lớp văn hóa có rất nhiều di tích, di vật đặc trưng của thời kỳ đó mà lần lượt các nhà khảo cổ học và sử học có thể nhận diện được tại lớp sâu nhất là văn hóa tiền Thăng Long bao gồm có thời kỳ Đại La (thế kỷ thứ 7), thời kỳ Đinh Lê (thế kỷ thứ 10), thời Lý (thế kỷ 11 và 12), thời Trần (thế kỷ 13 và 14), thời Lê (thế kỷ 15 và 18), và trên nữa có một ít dấu vết văn hóa vật chất của kinh thành thời Nguyễn.

Dấu tích đặc trưng qua các thời kỳ còn để lại hiện nay đã được phân định một phần, chủ yếu là vết tích các kiến trúc. Các kiến trúc đó tại mỗi thời kỳ đều có đặc trưng khác nhau, có những hình dáng khác nhau, có những loại di vật đi theo khác nhau. Các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều di vật phản ánh sinh hoạt đời sống trong khu vực Hoàng thành qua 1300 năm lịch sử như đồ gốm sứ, đồ sành, đồ kim loại, đồ gỗ.

** Với kết quả nghiên cứu trên, Tiến sĩ có nhận định gì về lịch sử Hoàng Thành trước kia?.

Tiến sĩ Tống Trung Tín: Thăng Long có một bề dày lịch sử lâu dài và vị trí khai quật là thuộc vị trí trung tâm của Hoàng thành và cấm thành Thăng Long từ thời Lý, thời Trần cho đến thời Lê. Còn đối với thời Đại La, nó là trung tâm của An Nam Đô Hộ phủ (thế kỷ 7 và thế kỷ 9).

Qua những trang sử trong lòng đất hiện rất rõ thời kỳ Đại La có những ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, có sự giao lưu trong khu vực rất mạnh qua những di vật đồ gốm sứ cao cấp Trung Quốc và Trung Đông được tìm thấy tại đây.

Cổ vật tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long

Với thời kỳ Đinh Lê cũng có nhiều phát hiện mới đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử thời Đinh Lê nói riêng. Trước đây, công việc khai quật tiến hành tại Hoa Lư chưa có kết quả, thì tại khu Hoàng thành Thăng Long, bước đầu các nhà nghiên cứu đã tìm thấy. Đến thời Lý, các kiến trúc biểu hiện trình độ thẩm mỹ của thời này. Đồ dùng của tầng lớp quý tộc và hoàng cung thời Lý có trình độ rất cao, đặc biệt đồ gốm sứ đều được người Việt Nam sản xuất ngay tại Thăng Long.

Thời Trần tiếp tục phát huy nền móng văn hóa của thời Lý. Tu bổ lại hoặc xây dựng mới và qui hoạch mới hơn. Đặc trưng của thời Trần có những trang trí kiến trúc theo kiểu Hoa tranh mà trong thời Lý không có. Tới thời Lê vẫn giữ truyền thống cơ bản trong xây dựng kinh đô như xây dựng móng trụ, thúc đẩy giao lưu văn hóa… Lịch sử kinh đô Thăng Long qua công tác khai quật cho thấy một bề dày lâu dài 1300 năm trong một quá trình phát triển liên tục mang đặc trưng rất rõ của thành Thăng Long và nước Đại Việt thời đó trong bối cảnh giao lưu rộng với các quốc gia khu vực.

** Năm nay, thành Heizyokyou của cố đô Nara cũng chính thức đón lễ kỷ niệm 1300 năm tuổi. Tiến sĩ có suy nghĩ gì về mối quan hệ lịch sử giữa thành Thăng Long và cố đô Nara của Nhật Bản?

Tiến sĩ Hồ Trung Tín: Mỗi nước có điều kiện lịch sử xã hội và điều kiện tự nhiên khác nhau nên có những phát triển khác nhau. Đối với kinh thành Nhật Bản, ở mỗi thời kỳ khác nhau, người Nhật Bản đã di chuyển kinh đô do đặc điểm qui định của thời đó.

Còn ở Việt Nam, lịch sử kinh đô được xây dựng trên cơ sở đã được định vị tại một chỗ, các triều đại và dòng họ khác nhau vẫn duy trì và xây dựng trên cơ sở cũ.

Trong bối cảnh chung của văn hóa phương Đông, thì những kiến trúc cùng thời hay đối với Thăng Long sau thời kỳ thành lập thành Heizokyo một chút, vẫn tồn tại những đặc điểm chung. Ví như kiến trúc gỗ trong khu vực phương Đông có nhiều nét gần gũi nhau. Hay trong qui hoạch kiến trúc kinh đô, các kinh đô phương Đông thường xây dựng tòa điện chính dành cho Vua thiết triều ngay chính giữa trung tâm.

** Xin cảm ơn Tiến sĩ./.