Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nhận định: khảo cổ học Thành phố trong hơn 3 thập kỷ qua đã có những đóng góp nhất định trong việc phục dựng lại quá khứ, giúp cho người dân thành phố hiểu và thêm yêu quý mảnh đất mà mình đang sống.

Từ sau năm 1975 đến nay, nhiều cuộc khai quật đã đem lại những nhận thức mới về lịch sử khẩn hoang, đời sống sinh hoạt, phong tục, tôn giáo tín ngưỡng của cư dân Sài Gòn xưa.

Các Di tích lịch sử văn hóa đã phát huy giá trị trong nghiên cứu học tập và tham quan du lịch. Hiện nay, Thành phố có 124 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 53 di tích quốc gia và 70 di tích cấp thành phố. Tuy nhiên, nhìn lại sự phát triển của thành phố trong vài thập kỷ qua, có thể thấy quy hoạch đồng bộ, lâu dài, phong cách kiến trúc sang trọng, chi tiết thanh thoát đang bị biến dạng hoặc mất dần đi.

Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh đã làm mai một đi các di tích lịch sử, các nhà quản lý đô thị chưa có sự nhất quán trong quan điểm về bảo tồn di sản, chưa có quy hoạch bảo tồn di sản mang tầm chiến lược…Dễ nhìn thấy nhất là “không gian văn hóa sông nước” trong nội thành thành phố đã bị mất.

Để gìn giữ một đô thị đẹp, hiện đại, có lịch sử văn hóa lâu đời, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần bảo tồn những không gian kiến trúc hiện hữu, song song đó là phải ưu tiên bảo vệ những di sản bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại và sớm có đề án nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị di tích một cách khoa học.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Quang Ninh nói: “Phần Di sản đô thị có ý nghĩa đối với Thành phố là Thảo Cầm Viên, đường Triệu Quang Phục ở khu chợ lớn và đường Đồng Khởi. Đô thị như một con người, có quá khứ, hiện tại và tương lai. Trách nhiệm của những người làm bảo tồn, bảo tàng là thực hiện đủ 3 mặt này…”./.