Từ sự việc ngư dân tranh cướp cổ vật tại con tàu đắm ở Quảng Ngãi thời gian gần đây đã lộ ra sự thiếu hụt nghiêm trọng của ngành khảo cổ dưới nước. Đến nay, cả nước chỉ có một cơ quan duy nhất có thể hoạt động khảo cổ học dưới nước (theo cách không chính danh) là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế ở chỗ chuyên gia biết làm khảo cổ nhiều người không biết lặn, còn thợ lặn thì lại thiếu hiểu biết về khảo cổ. Làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ các nhà khảo cổ dưới nước là trăn trở của nhiều nhà khảo cổ.
Khảo cổ dưới nước: 3 không
Có những câu chuyện về khảo cổ dưới nước thật như đùa! PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng viện Khảo cổ Việt Nam kể: Trong số 5 tàu cổ đã được khai quật, chỉ có quá trình nghiên cứu, trục vớt tàu cổ Cà Mau là do các chuyên gia trong nước đảm nhận mọi khâu từ A đến Z, còn các cuộc khai quật tàu cổ khác đều phải kết hợp với các nhà khảo cổ học và các công ty nước ngoài.
Trước khi được đưa về lưu giữ tại bảo tàng Hưng Yên, tàu cổ Khoái Châu đã phải phơi mình dưới mưa nắng suốt gần hai tháng bên bờ sông. Sau đó, quá trình vận chuyển do thiếu hiểu biết đã cưa đứt một phần đuôi tàu để tiện di chuyển. Đây chỉ là một trong những con tàu cổ bị “xẻ thịt” vì thiếu hiểu biết. 100% các tàu cổ được tìm thấy từ trước đến nay đều do ngư dân phát hiện. Tức là, khi các nhà khảo cổ học vào cuộc thì hiện trường nơi tàu bị đắm đã bị xáo trộn và rất nhiều cổ vật đã “vào tay” giới săn cổ vật.
Các nhà khảo cổ học xem xét niên đại của cổ vật từ con tàu đắm ở Quảng Ngãi (ảnh: báo Quảng Ngãi) |
Cũng vì không có trang thiết bị, kinh phí và đội ngũ các nhà khảo cổ học dưới nước nên Việt Nam chưa từng có một cuộc thăm dò sơ bộ, xác định xem có bao nhiêu con tàu cổ đắm ngoài khơi, đang nằm ở tọa độ nào để vẽ bản đồ khảo cổ và lên kế hoạch bảo tồn. Vì vậy, cổ vật đã bị thất thoát nhưng mất bao nhiêu và mất đi đâu thì không ai biết.
“Đến bây giờ, khảo cổ học dưới nước của Việt Nam vẫn là con số 0: không chuyên gia, không thiết bị, không kinh phí. Điều này không phải do các nhà khảo cổ học, mà là do các cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức...” – PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học thẳng thắn thừa nhận.
“Việc ngư dân ồ ạt mò vớt cổ vật trên con tàu đắm Bình Châu ở Quảng Ngãi rồi người dân tự mò vớt được 2 khẩu súng thần công lớn cho thấy tiềm năng to lớn của khảo cổ học dưới nước. Nhưng, nó cũng gióng lên tiếng chuông cảnh báo về việc bảo vệ các di tích, cổ vật ở dưới nước. Điều này cũng nhắc nhở các cấp quản lý, các nhà khoa học phải chú ý mạnh mẽ hơn nữa tới công tác quy hoạch khảo cổ học...”Phải bắt đầu ngay, đã quá muộn
Chính vì không làm được nên phần lớn các cuộc khảo cổ dưới nước của Việt Nam đều phải đi thuê các chuyên gia nước ngoài. PGS.TS Tống Trung Tín thẳng thắn thừa nhận: Việc các chuyên gia quốc tế giúp Việt Nam theo dạng tình nguyện thì không đòi hỏi bất cứ điều gì. Chuyện ăn chia ở đây liên quan đến một dạng hợp tác khác.
Các công ty nước ngoài khi có thông tin về tàu đắm, hay một di chỉ khảo cổ dưới nước, nếu thấy có lợi nhuận, họ sẽ bỏ kinh phí, tổ chức phối hợp với Việt Nam để cùng trục vớt, nghiên cứu. Đương nhiên, một khi đã bỏ kinh phí thì họ sẽ thu hồi lại, bằng cách có thể nắm quyền đấu giá cổ vật. Đây lại là một câu chuyện khác và rất phức tạp.
Một số cổ vật người dân vớt được từ con tàu đắm ở Quảng Ngãi vẫn còn nguyên vẹn (ảnh: báo Quảng Ngãi) |
Thực tế, Viện Khảo cổ đã đề nghị thành lập ngành Khảo cổ dưới nước cách đây ngót chục năm nhưng vì chưa có kinh phí nên tất cả vẫn nằm trên giấy. Vào những năm 2000, Viện khảo cổ cũng đã cử một số cán bộ sang Australia và Thái Lan học về ngành khảo cổ dưới nước. Tuy nhiên, đơn thuần chỉ là học cho có chứ không phải là chiến lược của ngành.
Theo TS Trần Quý Thịnh, Viện Khảo cổ học Việt Nam, vì chưa có kinh phí nên khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam được tiến hành phần lớn trong tình thế “chữa cháy”. Nếu không bắt đầu từ bây giờ thì 10 năm nữa chưa chắc đã có. Còn nếu bắt đầu từ bây giờ thì phải 5 năm nữa chúng ta mới có được đội ngũ khảo cổ dưới nước.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam từng ấp ủ việc thành lập một trung tâm nghiên cứu văn hóa Biển, thế nhưng, đến nay mọi việc vẫn còn rất bề bộn mà vấn đề chính vẫn là con người. TS Vũ Quốc Hiền, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết: “Quan trọng nhất phải có nhân sự, cán bộ rồi có phương tiện và kinh phí. Khảo cổ dưới nước không đơn thuần là lặn xuống nước rồi vớt đồ lên. Muốn tránh bất cập phải có điều tra khảo sát và chủ động khai thác di sản dưới nước. Phải làm ngay vì đã quá muộn rồi...!”
Theo các chuyên gia khảo cổ, hiện tại, trên biển Việt Nam có khoảng 40 con tàu cổ bị đắm có thể trục vớt, khai quật. Còn trong các lòng sông, số tàu thuyền cổ ước tính lên tới hàng nghìn. Thế nhưng, phải bao lâu nữa mới có được một đội ngũ khảo cổ dưới nước thì không ai biết (!)
Nhưng có một điều ai cũng biết, cũng lo ngại là trong khi chờ đợi sẽ còn rất nhiều cổ vật bị mất mát, bị hủy hoại theo thời gian./.