Các nhà nghiên cứu và hoạt định chính sách luôn lo ngại rằng khi đời sống càng phát triển hiện đại, tốc độ đô thị hóa các vùng quê càng nhanh thì các sinh hoạt văn hóa truyền thống càng dễ bị triệt tiêu. Vậy đối với những xã vừa hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới thì thực trạng ra sao, khi tiêu chí phát triển văn hóa, đời sống tinh thần lành mạnh của người dân nơi đây cũng là một tiêu chí quan trọng?
CLB Đờn ca tài tử ấp Đông An |
Để hiểu thêm về điều này, chúng tôi đã về thăm xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới ở khu vực ĐBSCL.
Đại Thành là một xã đạt chuẩn xã văn hóa từ rất sớm và là tiền đề quan trọng để các cấp chính quyền vận động nhân dân đồng thuận trong mọi chủ trương, bước thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới khi được chọn là 1 trong 11 xã điểm của tỉnh Hậu Giang.
Vì có sự đồng thuận như thế nên Đại Thành đã về đích sớm trước thời gian dự kiến và trở thành xã đầu tiên của cả khu vực ĐBSCL được công nhận đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Khi về thăm xã Đại Thành, chúng tôi ấn tượng với cả nhịp sống khá khẩn trương trong lao động sản xuất của người dân nơi đây và diện mạo khang trang của nhà cửa, đường sá, cơ sở vật chất, văn hóa.
Khi chúng tôi tìm hiểu về mối quan tâm của lãnh đạo địa phương đến tiêu chí văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh trong giới trẻ ở xã, ông Cao Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết: “Bà con nhân dân đã xác định, cuộc sống tinh thần không thể thiếu được. Từ hộ dân cho đến ấp, đến xã đều quan tâm đến đời sống văn hóa. Mỗi hộ dân phải thi đua nhau về cảnh quan môi trường, hàng rào, cột cờ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, có cuộc sống đoàn kết văn hóa, nề nếp xóm làng, giúp nhau làm kinh tế gia đình. Còn về phía ấp, mỗi ấp đều có nhà văn hóa của ấp. Bà con cũng có đến sinh hoạt đờn ca tài tử, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá. Truyền thống đờn ca tài tử của Nam bộ không thể thiếu được".
Theo lời giới thiệu về hoạt động khá mạnh của phong trào văn hóa văn nghệ xã Đại Thành, chúng tôi trở lại nơi đây vào một tối 16 âm lịch để dự buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Đông An – là 1 trong 9 ấp đều có các CLB như thế.
Điểm hẹn của các thành viên câu lạc bộ đặt tại nhà chú Tư (tức ông Nguyễn Hoàng Nhựt, 67 tuổi). Chú vừa là chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử (ĐCTT), vừa là chủ nhiệm CLB làm vườn của ấp Đông An. Chú Tư cho biết, mỗi thành viên trong Câu lạc bộ tài tử này đều là hội viên nông dân. Họ có vườn trồng ổi, trồng cam hay chăn nuôi kết hợp buôn bán nhỏ. Ngoài sinh hoạt định kỳ thì mỗi dịp hội họp, hội thảo học tập mô hình làm ăn hay khi xóm ấp có hỷ sự, ma chay, đám tiệc, họ đều là những hạt nhân góp vui cho cuộc chơi văn nghệ để phục vụ bà con. Riêng chú Tư được bầu làm chủ nhiệm vì có năng khiếu đờn hát theo truyền thống gia đình và công việc cán bộ thông tin lưu động mà chú tham gia thời trẻ.
Tài tử Tư Nhựt (đờn kìm) và bạn đờn |
“Khi mới mười mấy tuổi, tui đã đam mê ĐCTT. Trước, phong trào văn nghệ phát động dữ lắm. Đam mê vậy đó, mình mới theo dõi học được đủ bản bài thành ra tài tử"- chú Tư nói.
Trăng bắt đầu rõ vành, nằm chếch hướng mé sông trước cửa. Chốc lát tiếng xuồng máy chạy tành tạch qua nhà, tiếng gió lay cây vườn sau nhà và tiếng xe máy chạy vù trên đường bê tông sát bên cũng không làm mất vẻ thanh bình, yên ả của một ấp nông thôn Nam bộ vào tối. Từ khoảng 18h trở đi, đã thấy thành viên lần lượt có mặt. Có người đi đôi, có người đi lẻ. Khuôn viên nhà chú Tư bắt đầu sinh động tiếng cười và trò chuyện thân tình. Chú Tư và anh cán bộ truyền thanh xã đã bày sẵn cuộc chơi tài tử trên hiên nhà, quanh bàn trà và trái cây hái trong vườn.
Tôi hỏi anh Nguyễn Văn Nhơn – cán bộ văn hóa xã Đại Thành về một chi tiết khá đặc biệt khi thấy anh hý hoái ghi thêm tên những người đăng ký vào danh sách theo học lớp tài tử do thị xã Ngã Bảy sắp tổ chức. Bởi vì, đứng đầu danh sách ấy là gần như tất cả dàn cán bộ lãnh đạo xã từ Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch đến cán bộ các Hội, đoàn thể.
Anh Nhơn cho biết: “Xã Đại Thành từ hồi đó đến giờ, từ lãnh đạo cho đến người dân đều hết sức đam mê, nhưng không được bồi dưỡng, tập huấn gì để anh em có được hiểu biết và tham gia đúng thể loại. Do vậy, hiện nay cũng được tỉnh tổ chức lớp học tại thị xã để vận động bà con tham gia học đờn, ca cổ, đờn nhạc, ca tài tử. Vì vậy, anh em mình cũng rất hăng hái tham gia học để biết được nhịp điệu những loại bài ca để cổ vũ phong trào ĐCTT tại địa phương. Ca đúng thì mình mới chỉ đạo cho tốt”.
Chúng tôi ra về nhưng cuộc chơi tài tử của ấp Đông An vẫn tiếp tục. Các thành viên có độ tuổi từ hơn 30 đến 60, 70 đến với CLB vì niềm đam mê ca hát, mong muốn góp vui cho đời sống cộng đồng và lưu giữ loại hình sinh hoạt độc đáo riêng có của vùng quê mình. Chưa nói đến chất lượng của các tiết mục đờn hát và sức hút của nó đối với giới trẻ nông thôn hiện nay, nhưng những sinh hoạt tài tử xóm ấp như thế đã là cơ sở để nghệ thuật ĐCTT có thể phát triển hơn trong tương lai khi có những thống nhất về chủ trương nâng chất hoạt động Câu lạc bộ ĐCTT trên toàn địa bàn Nam bộ./.