Những ngày này, cả nước cùng vui chung với Nam Bộ trong 1 sự kiện lớn, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất – 2014 đang diễn ra tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Sự kiện này chính thức khẳng định tầm vóc của một loại hình nghệ thuật độc đáo, là tài sản tinh thần và trí tuệ của người dân phương Nam vừa được UNESCO công nhận là tài sản chung của nhân loại. 

Mặc dù có nguồn gốc là nhạc lễ cung đình Huế và những di sản âm nhạc lâu đời từ phía Bắc, do đoàn người tiên phong đi mở đất mang vào phương Nam, nhưng đến nay Đờn ca tài tử đã trở thành đặc sản văn hóa riêng của vùng đất này.

don%20ca%20tai%20tu.jpg
Đờn ca tài tử đã trở thành đặc sản văn hóa riêng của người dân Nam bộ

PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, người tham gia lập hồ sơ Đờn ca tài tử để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với số phiếu 100% cho biết: “Người miền Nam có một năng khiếu rất đặc biệt là phát triển Đờn ca, từ những bản ngắn phát triển dần dần thành các bản dài hay những âm điệu còn cứng, chẳng hạn như các bạn có hình dung rằng bản dạ cổ hoài lang cách đây 100 năm người ta không  hát giống bây giờ, người ta hát đơn giản. Còn bây giờ, có những luyến láy kiểu của người Nam Bộ. Chính sự phát triển đó làm cho âm điệu của bài bắt đầu mang âm điệu Nam Bộ”.

Bây giờ ở đâu, lúc nào, người dân Nam Bộ cũng tự hào về tài sản tinh thần chung - Đờn ca tài tử. Họ nói những âm điệu quê hương ấy đã chảy trong huyết quản của họ để thành “máu đờn ca”. Nghe bạn ca, ai cũng có thể gật gù theo tiếng song loan gõ nhịp, thưởng thức cung bậc bổng trầm, cảm câu ca, chữ nhạc và đánh giá tổng hòa bằng lời suýt soa “mùi quá”, “đã quá” hoặc cười xòa khi người thể hiện bị dớt nhịp.

Dù là loại hình văn hóa phi vật thể đầu tiên của vùng đất được UNESCO vinh danh nhưng người dân Nam Bộ lại có niềm tự hào riêng, vì Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật duy nhất vừa có được sự sang trọng, công phu của thể loaị nhạc thính phòng, vừa có sức lan tỏa trên phạm vi rộng lớn nhất và ngay trong cuộc sống đương đại hôm nay, nó vẫn là loại hình yêu thích của đông đảo công chúng.

Đờn ca tài tử đã được UNESCO trao bằng công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Từ thập niên 1960 trở đi, thế giới đã biết đến Đờn ca tài tử qua nỗ lực giới thiệu của những nhà nghiên cứu tâm huyết như GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhạc sư Vĩnh Bảo… Nhiều năm nay, du khách khắp nơi đến miền Tây vẫn coi tiếng Đờn lời ca tài tử trong không gian sông nước miệt vườn là một đặc sản không thể thiếu cho chuyến thăm thú vùng đất này. Đặc biệt, giới trẻ và một số nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài đã rất ấn tượng với tính cộng đồng và sức lan tỏa của Đờn ca tài tử khi tiếp cận sâu với nó.

Nhà văn Lê Đình Bích, giảng viên văn hóa học trường Đại học Cần Thơ, nhiều năm làm công việc giới thiệu văn hóa cho sinh viên quốc tế sang học tại Việt Nam cho biết, thậm chí đã có một giảng viên khoa Lịch sử âm nhạc và Dân tộc học của Học viện Miền Tây Michigan vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ  về Đờn ca tài tử Nam bộ tại nước Mỹ, anh là Giáo sư Alexander M.Cannon.

Đề cập về sức hấp dẫn của nghệ thuật Đờn ca tài tử đối với sinh viên và giới nghiên cứu âm nhạc, văn hóa quốc tế, giảng viên Lê Đình Bích chia sẻ: “Chương trình mà tôi giảng dạy cho sinh viên Hoa Kỳ cũng như sinh viên Australia, Pháp và Nhật trong chương trình chung thì phần vẻ đẹp văn hóa hạ lưu sông Mê Kông là phần chính. Đây là phần học mà tất cả sinh viên các nước đều yêu thích và họ mong muốn được học các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, đặc biệt là những nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử của Nam bộ. Trong thời gian 3 tháng lưu lại tại Việt Nam, một em sinh viên Đức đã học đàn tranh và 1 em sinh viên Hoa Kỳ đã học đàn cò… Trước đây, đã có những công trình nghiên cứu rất kỹ lưỡng về Đờn ca tài tử Nam bộ của nhiều học giả, nhạc sư Việt Nam, nhưng người nghiên cứu làm luận án tiến sĩ về Đờn ca tài tử Nam bộ lại chính là một người Mỹ, đó là TS Alexander M.Cannon. Và từ điều đó, chúng ta thấy đó mới là một điều đáng quý”. 

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã thật sự trở thành tài sản độc đáo riêng của cư dân 21 tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là ở khu vực miền Tây, tức Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Sức lan tỏa và tiềm năng phát triển của Đờn ca tài tử vẫn còn mãnh liệt trong đời sống đương đại và đang trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất.

Người quan tâm và yêu mến Đờn ca tài tử hôm nay đang tụ hội về thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu để hiểu thêm giá trị văn hóa, học hỏi bạn tri ân, cùng bàn hướng đi cần thiết, tiếp thêm sức sống cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này mãi sống đẹp với cộng đồng và với thời gian./.