Bức bình phong có hình “quái thú” mới được dựng trước lăng Ngô Quyền, làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội (thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền) sau khi vấp phải không ít sự phản đối của người dân và dư luận đã được đập bỏ vào cuối tuần qua. Tuy vậy, đây lại là thiếu sót của BQL di tích làng cổ Đường Lâm khi tự ý phá dỡ bức bình phong trong khi trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có quyết định đình chỉ mọi hoạt động thi công dự án.

“Dỡ bỏ bức bình phong là hết sức bình thường”?

Đó là khẳng định của ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích làng cổ Đường Lâm trong cuộc họp báo cáo tóm tắt quá trình thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ và Lăng Ngô Quyền sáng nay, 15/3. Cuộc họp với sự tham gia của các chuyên viên của Cục Di sản Bộ VHTTDL, cán bộ Sở VHTTDL Hà Nội, các ban ngành liên quan của thị xã Sơn Tây, đại diện Hội đồng Ngô tộc Việt Nam và đại diện Ban giám sát cộng đồng di tích làng cổ Đường Lâm.

img_0471%20copy.jpg
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích làng cổ Đường Lâm báo cáo tóm tắt quá trình thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ và Lăng Ngô Quyền

Ông Phạm Hùng Sơn cho biết: “Bức bình phong không đảm bảo mỹ thuật nên phía BQL đã giao cho đơn vị thi công điều chỉnh. Đây là việc làm hết sức bình thường và chúng tôi đưa ra quyết định dỡ bỏ sau khi có thỏa thuận với người dân và dòng họ Ngô. Người dân địa phương tỏ ra rất phẫn nộ sau khi nghe dư luận gọi con thú trên bức bình phong ấy hổ không ra hổ, mà là con quỷ, con chó hay con chuột đứng chắn trước mặt Vua. Họ đề nghị ngay lập tức dỡ bỏ bức bình phong ấy”.

Ông Sơn khẳng định, công trình chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu nên nếu thấy cần thiết sẽ chỉnh sửa nhiều lần.

Tự ý phá dỡ bình phong là hành động thiếu sótTuy vậy, tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Khang, chuyên viên Cục Di sản - Bộ VHTT&DL nhấn mạnh việc dựng bức bình phong ở lăng Ngô Quyền là một hạng mục nằm trong dự án đã được phê duyệt, việc chủ đầu tư dự án tự ý phá dỡ bức bình phong trong khi Sở VHTT&DL đã có quyết định đình chỉ mọi hoạt động của dự án là thiết sót.

“Về nguyên tắc tu bổ di tích, khi thực hiện thi công phải lập hội đồng đánh giá di tích. Trong khi đánh giá di tích, nếu xét những điều chỉnh, những phát sinh nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc thì có thể làm việc bằng biên bản, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ký với nhau thống nhất để điều chỉnh. Nhưng khi thay đổi quy hoạch, thay đổi làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc và quy hoạch ban đầu của di tích đã được ấn định và phê duyệt thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên. Việc phá dỡ bình phong mà chưa báo cáo lên Sở là sơ suất của chủ đầu tư dự án” – ông Khang khẳng định.

Bức bình phong được phá dỡ, trả lại không gian ban đầu cho lăng Ngô Quyền

Về vấn đề này, ông Ngô Vui - Trưởng Ban liên lạc Hội đồng Ngô tộc Việt Nam (đơn vị đầu tư 30% vốn của dự án) nói: “Chúng tôi lúng túng, chưa có kinh nghiệm trong việc này nên nảy sinh nhiều vấn đề. Chúng tôi cũng đã mời BQL di tích làng cổ Đường Lâm, các chuyên gia và đại diện nhân dân họp 3 lần mà chưa thống nhất được về bức bình phong đó”.

Bên cạnh việc dỡ bỏ bức bình phong thiếu thẩm mỹ, tiếp thu ý kiến của nhân dân và những gì VOV online đã phản ánh, báo cáo trong cuộc họp, ông Phạm Hùng Sơn cho biết, rãnh thoát nước phía sau lăng Vua cũng đã bị phá bỏ, những chi tiết rồng lòe loẹt trên lăng cũng được sơn lại.

Những chi tiết rồng lòe loẹt trên lăng được sơn lại

Về hạng mục nhà thủ từ, BQL di tích đang làm báo cáo xin phép được chuyển đổi mục đích sử dụng thành nhà trưng bày và sẽ không có nhà vệ sinh trong đó.

Tất cả những biện pháp chỉnh sửa đều nhận được ý kiến đồng thuận của nhân dân và gia tộc họ Ngô. Tuy vậy, hành động dỡ bỏ nhanh chóng bức bình phong mà chưa thông qua ý kiến của cấp trên là thiếu sót của chủ đầu tư dự án. Mặc dù hành động này nhận được sự đồng thuận của người dân cũng như gia tộc họ Ngô, nhưng việc ứng xử với một di tích cấp quốc gia như thế này được xem là quá dễ dãi và cẩu thả./.