Ông Dương Hữu Số, người trông coi đền và lăng mộ vua Ngô Quyền ở thôn Cam Lâm (xã Đường Lâm, Sơn Tây, HN) sáng nay (8/3) cho VOV online biết: Con “quái thú” trên tấm bình phong gây tranh cãi đã bị đục nham nhở vô cùng phản cảm.
"Quái thú" bị người của đơn vị thi công đục biến dạng. (ảnh: Lao Động) |
Theo ông từ Số, sáng ngày 7/3, đơn vị thi công đã đục bỏ một nửa con quái thú và cho đến giờ vẫn chưa thấy họ chỉnh sửa trở lại. Điều này khiến người dân ở đây thêm bức xúc vì hình ảnh phản cảm cứ phơi bày ngay lối vào lăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tôn nghiêm của lăng mộ vị vua đã có công “mở nước xưng vương”, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Cận cảnh đầu con "quái thú" trong bức bình phong chắn trước lăng mộ vua Ngô Quyền. (ảnh: Lao Động) |
Bức bình phong chính là công trình tâm điểm gây tranh cãi trong các hạng mục tu bổ, tôn tạo đền thờ, lăng Ngô Quyền. Nhiều người cho rằng, bình phong được đặt quá gần, thiết kế quá cao so với lăng làm che khuất tầm nhìn. Không gian lăng mộ đã chật hẹp, nay lại thêm bức bình phong án ngữ trước mặt gây khó khăn cho người dân cúng bái.
PGS.TS Trần Lâm Biền, người tư vấn xây bình phong thì lại không đồng ý với “cách làm tuỳ tiện từ vị trí đặt bình phong cũng như hình tượng trên bức bình phong.”
Ông Biền khẳng định: “Con hổ ở bình phong không phải là hổ, nó là hình thức báo lai chó sói nó bị liệt như một hình thức quỷ. Mà hổ ở bình phong là hổ tâm linh có mặt nhìn thẳng chứ không nhìn nghiêng như thế này. Hổ để chống quỷ mà hình thức này thì như là quỷ. Không thể chấp nhận được!”.
Trước dư luận phản đối việc xây bức bình phong cũng như hình ảnh con hổ trên đó không đạt giá trị tạo hình thẩm mĩ cũng như giá trị tâm linh, đơn vị thi công đã tiến hành đục bỏ một phần để chỉnh sửa.
“Hiện giờ nó giống một con thú chết bị người ta để mặc ở đó. Thật phản cảm”, ông từ Số bức xúc cho rằng nhẽ ra chỉ nên đập khi đơn vị thi công có thể đắp ngay lại một con hổ tâm linh thực sự.
Chưa có bản vẽ chi tiết bức bình phong?
Theo Thông tư số 18 về hoạt động mỹ thuật thì trước khi thực hiện một bức phù điêu, đơn vị thi công căn cứ mẫu phác thảo đã duyệt phóng thành mẫu tỷ lệ 1/1 trên chất liệu đất sét. Mẫu này sau đó phải được hội đồng nghệ thuật nghiệm thu trước khi quyết định thi công chất liệu.
Bản vẽ phác thảo đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt nhưng BQL đã không thực hiện đúng qui trình là phóng mẫu tỷ lệ 1/1 mà tự ý trực tiếp xây bình phong bằng xi măng với hình con thú gây phản cảm. (ảnh: Quang Trung) |
Bức bình phong ở lăng Ngô Quyền theo quy định pháp luật về mỹ thuật, là một phù điêu, bản vẽ phác thảo đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt nhưng lại “chưa có bản vẽ chi tiết” như lời thừa nhận của ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội.
Nó được thi công luôn bằng xi măng trước khi có một bản duyệt trên đất sét. Trước đó, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Đường Lâm đã khẳng định rằng mọi quy trình xây bình phong đã được làm đúng.
Như vậy, để làm đúng thủ tục, trình tự lại từ đầu để có bản mẫu tỷ lệ 1/1 được phê duyệt thì con “thú chết” phản cảm trên bức bình phong sẽ án ngữ lăng Ngô Quyền đến lúc nào?
Cần thành lập Ban giám sát cộng đồng tiếp thu ý kiến dân
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý Di tích Đường Lâm cho biết, dự án tu bổ, tôn tạo lăng Ngô Quyền được làm đúng theo thủ tục, quy định của Luật xây dựng và Luật di sản. Tuy nhiên, một trong những qui định bắt buộc là phải thành lập Ban giám sát cộng đồng thì lại chưa có. ông Ngô Vui – Chủ tịch Hội đồng Gia tộc họ Ngô than phiền về việc những góp ý, ý kiến của họ không được lắng nghe và tiếp thu: “Chúng tôi phải bỏ tiền nhưng khi làm thì không được tham gia gì trong đó”. Ông Ngô Vui cũng khẳng định quan điểm của dòng họ mình là không muốn có bức bình phong đó.
Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết “sẽ trao đổi với UBND thị xã Sơn Tây để họ có trách nhiệm tập hợp lại toàn bộ những vấn đề đã, đang làm và tới đây sẽ phải làm. Kể cả các ý kiến của nhân dân và dòng họ, thị xã Sơn Tây phải tập hợp lại để báo cáo với Sở, với thành phố và Bộ. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới có căn cứ xem xét, tham mưu cho Ủy ban thành phố để Bộ Văn hóa xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án này”.
Ông Trương Minh Tiến cũng nhấn mạnh rằng bức bình phong xuất phát từ lý do vừa là kiến trúc, vừa liên quan đến yếu tố tâm linh, nếu dòng họ, nhân dân có ý kiến thì cơ quan chức năng cần có tính toán, xem xét lại./. >> Nguy cơ từ vụ mang "quái thú" vào lăng Vua đến dỡ mái đình bán gỗ sưa