Phóng viên VOV phỏng vấn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội.
** Thưa ông, trong những năm gần đây, giải thưởng văn học Hà Nội được đánh giá là có sức hút và nhiều sáng tạo. Ông nghĩ sao về điều này?
Năm nay giải của Hà Nội “được mùa”, có nhiều tác phẩm vào chung khảo, đặc biệt là văn xuôi, khi xét và bỏ phiếu kết quả thì có đầy đủ cả 4 bộ môn.
Những năm trước đây, có năm có tới 2 hạng mục bị bỏ trống như thơ và phê bình.
Năm nay, ngoài giải thường xuyên cho 4 bộ môn là: văn xuôi, thơ, phê bình, dịch thuật, có thêm giải thành tựu. Đây là giải không nằm trong hệ thống giải thường xuyên mà căn cứ vào từng năm.
Quy chế trao giải của chúng tôi là không bó hẹp trong tác phẩm của hội viên mà còn mở rộng với các nhà văn, nhà thơ sống và làm việc tại Hà Nội.
** Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn tác phẩm dịch: “Lolita” của dịch giả Dương Tường để trao giải đãthể hiện bản lĩnh của Hội nhà văn Hà Nội. Ông có thể cho biết những tiêu chí để vinh danh tác phẩm này?
“Lolita” là tiểu thuyết của nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimia Nabokov, là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nền văn học thế giới thế kỉ 20. Nổi tiếng về văn phong nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng. Tác phẩm thách đố người dịch vì trong này gần như thể hiện toàn bộ tài năng văn chương của Nabokov. Đầu năm nay, khi bản dịch “Lolita” của dịch giả Dương Tường ra đời sau 2 năm lao động miệt mài, được coi là một sự kiện của văn học.
Vinh danh tác phẩm này, chúng tôi muốn khẳng định thành quả lao động của dịch giả. Thứ 2, qua giải thưởng này cũng đặt ra vấn đề cho các dịch giả văn học là phải đề cao tinh thần làm việc nghiêm túc, thận trọng. Mỗi dịch phẩm là một sáng tạo duy nhất. Chúng ta đề cao sự nghiêm túc trong dịch thuật nhưng cũng đề cao cá tính của dịch giả. Điều tôi vừa nói cũng giống như ý nguyện của dịch giả Dương Tường: “tên của dịch giả phải được đặt sóng đôi với tác giả trong một tác phẩm dịch thuật”.
** Về mảng văn xuôi, vì sao tiểu thuyết “SBC là săn bắt chuột” của tác giả Hồ Anh Thái lại được giải năm nay, thưa ông?
Năm nay giải văn xuôi có 3 tác phẩm lọt vào chung khảo: tiểu thuyết “SBC là săn bắt chuột” của nhà văn Hồ Anh Thái; tập truyện ngắn “Lãng du” của Tạ Duy Anh và tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ.
3 tác phẩm này đều là sáng tác gần đây nhất, gây được dư luận. BTC chọn tiểu thuyết “SBC là săn bắt chuột” của Hồ Anh Thái bởi cuốn này tiếp tục mạch viết kiên trì, thường xuyên đổi mới cách tân lối viết của Hồ Anh Thái. Ông là một nhà văn chuyên nghiệp, luôn tìm tòi cách viết và luôn có sách trình làng và mỗi cuốn sách là một tìm tòi mới. Cuốn này ra năm ngoái thì năm nay ông đã ra một cuốn mới là tiểu thuyết “Dấu về gió xóa”.
Với một nhà văn như vậy, chứng tỏ ông luôn có nội lực, có phong cách, cá tính sáng tạo. Còn về nội dung, bằng hình thức dựng lên thế giới người và thế giới chuột, dựng lên từng chương như là diễu nhại, ông phản ánh một hiện thực trần trụi của Hà Nội. Người đọc sẽ bắt gặp một mảng sống tươi rói, hiện thực mà chúng ta đang trải qua nhưng đã được cách điệu hóa./.
** Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! ./.