Di tích tâm linh thời Lý nằm tại lô E ở khu vực khai quật khảo cổ học Vườn Hồng, Ba Đình, Hà Nội, thuộc Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long trước nguy cơ bị xâm hại bởi quá trình thi công xây dựng gara ngầm của Nhà Quốc hội, đã được Viện Khảo cổ học ra văn bản “kêu cứu” hôm 29/10. Hiện tại, việc xây dựng đã tạm dừng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để bảo tồn tính nguyên trạng của di tích.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về vấn đề này.

gs_nguyen_quang_ngoc_zmqm_jmia.jpgGS.TS Nguyễn Quang Ngọc 

Di tích có giá trị cao trong hệ thống di tích Hoàng thành

PV: Thưa GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, ông có thể cho biết mức độ quan trọng của di tích mới được xuất lộ trong Hoàng thành Thăng Long?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Dù liên quan đến việc triển khai dự án xây dựng khu Hội trường Ba Đình nhưng theo Luật Di sản Việt Nam, quá trình tiến hành khai quật khảo cổ học di tích đã được thực hiện. Khu di tích này nằm trong tổng thể khu Hoàng thành Thăng Long nên cần được khai quật trước khi bàn giao lại cho bên chủ đầu tư xây dựng. Điều này đã có quyết định từ Bộ VHTT&DL cho Viện Khảo cổ học khai quật. Trong quá trình khai quật, mới xuất lộ một mặt bằng di tích kiến trúc hết sức đặc biệt, nằm trong diện tích hơn 40.000m2 của khu Hội trường Ba Đình, mà trước đó chưa hề tìm thấy.

Chúng tôi cũng được mời khảo sát, trao đổi ngay tại hiện trường và xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng di tích liên quan đến kiến trúc Phật giáo Mật tông, là một phần của tòa tháp Cửu phẩm Liên Hoa. Có ý kiến coi đây là một di tích để trấn yểm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đây là di tích liên quan đến thiên văn, như để quan sát trời, đất. Nhưng có một ý kiến tôi lưu ý nhất, khi cho rằng có liên quan đến lễ tế.

Một chuyên gia người Nhật Bản khi tới xem xét, đã căn cứ vào cấu trúc kinh thành cổ Châu Á, đưa ra đánh giá đây như là Minh Đường, một dạng đàn tế trời rất sơ khai của kinh đô cổ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi kết hợp khảo cứu lại toàn bộ lịch sử Việt Nam, chúng tôi chưa từng thấy một tài liệu nào nói về kiến trúc Minh Đường nằm trong khu Hoàng thành Thăng Long hay trong các thành cổ khác ở nước ta. Vì thế, các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng cần phải tìm một tên khác xác thực hơn cho di tích. Nhưng xét về mặt chức năng, theo tôi, di tích kiến trúc này có liên quan đến nghi lễ tế trời ở trong cấm thành Thăng Long.

Di tích này được coi là đàn tế cổ và được đánh giá là một phần quan trọng trong tổng thể cấu trúc Hoàng thành Thăng Long (ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội)

PV: Ông có thể giải thích cụ thể hơn về chức năng, ý nghĩa tâm linh của di tích này?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Một là, truyền thống chung của các nước phương Đông khi chọn đất định đô là bao giờ cũng lập lễ tế. Trong “Chiếu dời đô”, vua  Lý Thái Tổ từng đề cập đến điều này, chọn ở chính giữa trời đất, nơi có thế rồng cuộn hổ ngồi. Chuyện chọn đất định đô là chuyện phổ biến thời xưa, mà muốn như vậy thì phải có đàn tế lễ trời, đất, thậm chí có khi phải làm đàn tế đó trước khi có quyết định định đô. Vì thế, theo tôi, xét về cấu trúc, chức năng của di tích, vị trí này có liên quan đến đàn tế trời, đất khi định đô Thăng Long.

Hai là, vị trí của di tích sát liền với điện Càn Nguyên, là chính điện, điện quan trọng nhất của sự kiện định đô. Điện Càn Nguyên được xây dựng vào năm 1010. Đến năm 1028, trong quá trình thiết triều, Lý Thái Tông, con trai của Lý Thái Tổ lên ngôi vua, đã quyết định cho phá điện này đi, xây dựng chỗ khác. Nhưng sử chép rằng, rồng hiện lại ở chỗ đó, chứng tỏ đất vị trí ấy rất thiêng, không thể thay đổi được. Cho nên, vua Lý Thái Tông lại cho xây một điện mới cũng ngay tại đó, nhưng không gọi là điện Càn Nguyên mà đổi tên là điện Thiên An. Cấu trúc di tích này gắn liền với chính điện thành một tổng thể nên tôi thấy càng có cơ sở để minh chứng đây là đàn tế.

Ba là, tương tự như trong kinh đô của các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, bao giờ cũng có cấu trúc của đàn tế trời và đàn tế đất. Vị trí đàn tế như vậy sau này được tách ra gọi là Thiên đàn - đàn Nam Giao là đàn tế trời, còn đàn Xã Tắc là đàn tế đất. Dựa theo đó, có thể thấy đàn tế ban đầu có chức năng chọn đất định đô, nhưng sau mang cả chức năng tế trời, tế đất riêng. Sử chép rằng, vào năm 1048, chính vua Lý Thái Tông đã quyết định tách và cho xây đàn Xã Tắc ở chỗ Ô Chợ Dừa bây giờ.

PV: Vậy Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao và di tích đàn tế mới xuất lộ tại khu Hoàng Thành Thăng Long có mối liên quan trực tiếp với nhau như thế nào?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Theo tôi, đàn Xã Tắc đóng vai trò quan trọng, liên quan đến vị trí đàn tế mới xuất lộ. Qua quá trình khai quật, khảo cổ học, chúng tôi còn biết là trong khu vực nội thành cổ truyền, gồm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, chỉ chỗ đó có di chỉ văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 3.500 năm. Đàn Xã Tắc từng là gò đất khá cao, từng có người sinh sống trên đó, tức là từng có cư dân cổ nhất của đô thành Thăng Long xưa lưu lại dấu ấn.

Khi đàn Xã Tắc đã được xây ở đó, thì mặc nhiên, di tích mới xuất lộ trong khu vực Hoàng thành cũng là nơi có vị trí linh thiêng nên không bị đụng đến, nhưng không hề bị phá hủy. Theo thời gian, di tích này mới bị lấp sâu vào lòng đất. Năm 1203, nhà Lý đã cho xây tân cung ở vùng này, nhưng không cho xây đè lên di tích. Thậm chí, khi quân xâm lược tới với mục tiêu phá hoại, tàn phá kinh thành Thăng Long, chúng cũng không tàn phá di tích này. Thành thử, di tích có từ năm 1010, dù bằng gỗ, không quá kiên cố nhưng lại được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Dù có chất liệu bằng gỗ nhưng trải qua nghìn năm, di tích này vẫn còn vẹn nguyên (ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội)

Vì thế, trong số một hệ thống các di tích làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của khu Hoàng thành Thăng Long, có thể nói, đây là di tích còn lại một cách nguyên trạng nhất, gắn với sự kiện định đô Thăng Long. Theo đó, di tích cũng có giá trị cao nhất trong hệ thống di tích Hoàng thành.

Cần nghiên cứu thêm

PV: Hiện nay, các nhà quản lý cũng như các nhà nghiên cứu đã có phương án bảo tồn nào với di tích này chưa, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Sau khi nhận được báo cáo của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đến kiểm tra, xem xét hiện trường. Thủ tướng cũng ra chỉ thị di tích có giá trị như vậy thì cần phải được bảo tồn nguyên vẹn.

Gần đây, Viện Khảo cổ còn có văn bản báo cáo về việc di tích bị xâm hại. Di tích này thuộc về tổng thể khu Hoàng thành Thăng Long, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, lại còn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Mặc nhiên, nó phải được bảo vệ một cách chặt chẽ theo Luật Di sản, văn hóa của Việt Nam. Di tích đồng thời được chính Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bảo tồn nguyên trạng, đó là hành động cấp thiết và xác đáng.

Các chuyên gia quốc tế cũng đã đến xem xét, họ cho rằng đây là di tích đàn tế độc nhất vô nhị, hiếm có trên thế giới nên mới lúng túng trong việc gọi tên. Vì thế, bạn bè quốc tế mới ghi nhận đây là di tích hết sức đặc biệt. Đến bản thân chúng tôi còn thấy kinh ngạc vì di tích bằng gỗ còn nguyên vẹn. Ngay cả nút buộc gỗ mà còn nguyên thì cũng rất lạ, nhất là đã trải qua nghìn năm, trong điều kiện khí hậu ở nước ta.

PV: Sắp tới, các nhà nghiên cứu phối hợp với Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học có dự định tổ chức các buổi hội thảo, mời các chuyên gia quốc tế tham dự để bàn về vấn đề này không?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Thống nhất để có được các hội thảo, cũng như một cách tuyệt đối thì chưa có, còn cần thêm quá trình nghiên cứu. Nhưng về cơ bản mà nói, các chuyên gia đã trải qua nhiều cuộc trao đổi, bàn luận để có chung ý kiến coi đây là di tích đàn tế cổ trong khu Hoàng thành thời Lý, gắn với sự kiện định đô Thăng Long, ít nhất có chức năng từ năm 1010 – 1048, tức trong 2 triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông. Còn về tên gọi di tích, qua chính sử chưa tìm ra tên gọi nào chính xác nhất, nhưng về chức năng, trước mắt vẫn có thể gọi là đàn tế./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.