Di tích lịch sử Đàn Xã Tắc (tại đầu đường Kim Liên Mới nối Ô Chợ Dừa - Hà Nội) được phát hiện năm 2006 khi triển khai xây dựng đường vành đai 1 đi qua khu vực Kim Liên. Ngày 7/12/2007, Bộ VHTT&DL đã xếp hạng khu di tích khảo cổ học đàn tế Xã Tắc là di tích lịch sử quốc gia.
Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm “Đàn Xã Tắc có đáng được bảo vệ không?” được tổ chức vào sáng 8/5 tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu sử học, văn hóa, khảo cổ học… các ý kiến vẫn tranh luận rất gay gắt về tính xác thực của Đàn Xã Tắc. Theo đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Đàn Xã Tắc chỉ là một đàn tế ở nơi gò đất cao mà thôi.
Đàn Xã Tắc và khu vực tranh cãi sẽ xây cầu vượt (ảnh: Huy Phương) |
Ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: “Đặc điểm cơ bản của một cái Đàn Xã Tắc là một cái gò đất cao, hình vuông, có thể cao 2 – 3 tầng. Mặt đàn có hình tròn làm bằng vật liệu 5 màu, biểu hiện cho ngũ hành. Thế nhưng, trong cuộc khai quật vào năm 2006- 2007 thì phát hiện một số vết tích kiến trúc được xây dựng bằng những viên gạch hình chữ nhật, hình vuông như một lối đi trên một mặt bằng chứ không phải là bậc tam cấp để lên gò tế thần, vật liệu xây dựng cũng không phải 5 màu. Do vậy, tôi nghĩ rằng đây chưa phải là Đàn Xã Tắc”.
TS sử học Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học – Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam) lại gay gắt phản đối ý kiến của ông Nguyễn Văn Hảo và đưa ra nhiều chứng cớ chứng minh, địa điểm đã được phát lộ và nghiên cứu khảo cổ tại khu vực đầu đường Kim Liên mới nối Ô Chợ Dừa (Hà Nội) chính là Đàn Xã Tắc.
Tuy nhiên, chính TS Nguyễn Hồng Kiên cũng cho biết, sau khi xác lập một triều đại thì triều đình mới sẽ xóa sổ đàn tế của triều đại trước. Vì đàn tế phải lộ thiên và ở vùng đất cao nên khi bị phá hủy, nó không để lại nhiều bằng chứng và rất khó để xác định nó có phải Đàn Xã Tắc hay không. Khảo cổ học Việt Nam mới bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về Đàn tế khoảng 10 năm trở lại đây nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định. Chính vì vậy, ông Kiên đã từng “thỏa thuận” với UBND thành phố Hà Nội rằng: chỉ cần tìm được phế tích tại một khu gò cao thì đó chính là Đàn Xã Tắc.
Dù sau đó, Viện Khảo cổ học đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy địa điểm đó chính là Đàn Xã Tắc nhưng đều chưa đủ thuyết phục hoàn toàn các nhà nghiên cứu. Nên chỉ công nhận nó như một nơi tế lễ, một xã đàn thì sẽ phù hợp hơn. Trong tương lai, cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu để xác định chính xác có phải Đàn Xã Tắc hay không. Những gì còn mang tính ước lượng thì nên tránh công bố để khiến cho nhân dân dao động và nhiễu loạn quá trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ.
Hoang mang nhưng vẫn phải bảo vệ
Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi nhưng đa số các học giả đều đồng thuận với ý kiến, nên bảo vệ di tích lịch sử này đến cùng dù nó là Đàn Xã Tắc hay chỉ là một đàn tế bởi tính tín ngưỡng ảnh hưởng sâu đến tâm linh của người Việt và mang ý nghĩa đặc biệt với người dân thủ đô.
Việc ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội đã đưa ra phương án kiến trúc cầu vượt trục giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng vào tháng 3/2013 khiến dư luận dậy sóng cần phải được bàn bạc một cách cẩn thận. Theo quy hoạch xây dựng, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc và nhà dân. Mố cầu nằm ngoài di tích, còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này. Mặc dù khoanh vùng nhưng việc đổ bê tông, đào móng sẽ làm nguy hại đến di sản trong lòng đất.
Thiết kế cầu |
TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho biết, việc bảo tồn di tích nên đi theo hai quan điểm. Thứ nhất, vì nó đã được Nhà nước coi là di tích nên cần phải bảo vệ đến cùng. Thứ hai là quan điểm khoa học, cần phải nghiên cứu rõ ràng nhưng nên kết hợp giữa văn hóa và kiến trúc để kết hợp xây cầu. Chúng ta có thể lấy kinh nghiệm từ Trung Quốc, kết hợp giữa làm công viên di tích để gìn giữ cho đời sau, làm cầu vượt sang hai bên di tích để thuận tiện cho giao thông.
Tuy nhiên, nếu đây chính là một Đàn Xã Tắc thì nội đàn của nó phải rộng 99 trượng, tương đương với khoảng 6.500m2. Đây là một diện tích rất rộng và hiện tại, chúng ta vẫn đang “dẫm” lên di tích mà đi. Nếu không xác định được chính xác độ rộng của di tích thì dù có bảo vệ thế nào cũng vẫn chỉ là việc làm đối phó: di tích đến đâu, bảo tồn đến đó.
Có nhiều hình thức bảo tồn di tích tùy vào thực trạng và tình hình. Chúng ta có thể bảo tồn địa danh hoặc dựng bia đá để bảo tồn di tích vĩnh cửu cho các con cháu đời sau. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta không nên đặt vấn đề “Đàn Xã Tắc có đáng được bảo tồn hay không?” mà chúng ta phải có thái độ cầu thị và cách nhìn tôn trọng đối với di tích lịch sử.
Những gì chúng ta chưa làm được thì con cháu thời sau sẽ làm, nhưng những gì thuộc về lịch sử đã bị phá hủy thì sẽ không thể phục hồi theo thời gian. Do vậy, không nên đặt việc bảo vệ di tích và phát triển dân sinh lên bàn cân để đong đếm và tranh cãi xem cái nào quan trọng hơn mà các nhà nghiên cứu, các bên liên quan nên cùng tìm ra giải pháp thống nhất cho sự phát triển chung của thủ đô nói riêng và đất nước nói chung./.