Lễ tế Nam Giao (hay còn gọi là lễ tế Giao) là lễ tế trời, đất và các vị thần linh, thường được diễn ra vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngày xưa, đây là nghi lễ quan trọng bậc nhất (hàng Đại tự) được tổ chức rất công phu và trang trọng với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Năm nay, lễ tế Giao tổ chức vào 3h30’ sáng ngày 17/4 (tức 18/3 âm lịch) tại Đàn Nam Giao (thành phố Huế), theo đúng nghi lễ trang nghiêm, không sân khấu hóa – tức là lược bỏ toàn bộ phần diễn, dẫn dắt của vua và quần thần (vốn do các diễn viên đảm nhận) trong tế lễ.

namgiao1.jpg
Lễ tế Nam Giao năm nay lược bỏ phần sân khấu hoá (Ảnh: (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh).

Nói về việc này, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: “Trước đây, lễ tế Giao vẫn thiên về việc tái hiện nghi lễ ngày xưa với các diễn viên đảm nhiệm vai vua, quan, lính… nhằm giúp khán giả hiểu thêm về lễ tế. Tuy nhiên, càng về sau, chúng tôi nhận ra, việc sân khấu hóa một hoạt động mang tính chất tâm linh quan trọng là không phù hợp. Đặc biệt là những người đóng vai vua, dẫn dắt lễ tế. Do đó, chúng tôi đã quyết định lược bỏ toàn bộ phần diễn”.

Việc lược bỏ khiến cho lễ tế Giao tiết kiệm được nhiều chi phí và công sức. Trước đây, các lễ tế phải huy động đến hàng trăm diễn viên cộng với phục trang rườm rà và tốn nhiều thời gian luyện tập. Tuy nhiên, việc lược bỏ phần sân khấu hóa lại là một “tổn thất” không hề nhỏ đối với người dân và những du khách đến với Huế khi không được thưởng thức lễ tế hoành tráng tái hiện khung cảnh ngày xưa.

Mất đi phần sân khấu hóa, lượng người dân và du khách đến tham gia lễ tế giảm mạnh so với mọi năm (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh).

Dù chỉ là tái hiện và lược bớt một số nghi thức nhưng Lễ tế Giao không mất đi tính trang nghiêm vốn có. Lễ tế Nam Giao vẫn được tái hiện đầy đủ với 2 phần lễ gồm: lễ rước bài vị từ Trai cung sang đàn tế và lễ tế tại Đàn Nam Giao. Lễ tế tại đàn gồm 3 nghi thức: Nghênh thần tại Phương đàn, Tế tại Viên đàn và Tống thần tại Phương đàn. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế thay mặt cho nhân dân, đảm nhiệm vai trò chủ tế, dẫn dắt lễ tế.

Ngoài việc tế trời, đất, tổ tiên và các vị thần linh, lễ tế Giao năm nay còn đặc biệt có phần tế các anh hùng liệt sĩ để tưởng nhớ công lao của những người đã có công với đất nước./.

Đàn Nam Giao được nhà Nguyễn khởi công xây dựng vào năm 1806, (nay thuộc địa phận phường Trường An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Sau khi hoàn thành, Vua Gia Long lần đầu tiên tổ chức lễ tế Giao vào năm 1807. Đây là đàn Nam giao duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam. Năm 2004, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phục dựng lại lễ tế Nam Giao ở đàn Nam Giao triều Nguyễn. Hoạt động tế lễ được tiếp tục tổ chức ở các kỳ Festival Huế sau này như một hoạt động tâm linh đặc sắc.