Dư luận xã hội những ngày qua lại dậy sóng khi phía UBND thành phố Hà Nội đưa ra phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Một lần nữa, câu chuyện về bảo tồn hay phát triển lại có dịp nóng lên giữa một bên là các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa với mong muốn gìn giữ di sản của đất nước và một bên là những nhà hoạch định chính sách với hi vọng chiếc cầu vượt này sẽ làm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông của thành phố vốn đông đúc bậc nhất cả nước.

Di tích lịch sử Đàn Xã Tắc (tại đầu đường Kim Liên Mới nối Ô Chợ Dừa - Hà Nội) được phát hiện năm 2006 khi triển khai thực hiện đường vành đai 1 đi qua khu vực Kim Liên. Đàn Xã Tắc là một trong các loại đàn tế cổ để tế thần nông.

Theo các chuyên gia khảo cổ, các nhà sử học thì Đàn Xã Tắc được xây dựng giữa thế kỷ XI. Với dày đặc tầng văn hóa của nhiều thời kỳ thuộc lịch sử Trung đại, ngày 7/12/2007, bộ VH-TT&DL đã xếp hạng khu di tích khảo cổ học đàn tế Xã Tắc là di tích lịch sử quốc gia.

dan-xa-tac.jpg
Mô hình cầu vượt Đàn Xã Tắc sau khi hoàn thành

Vào cuối tháng 3/2013, ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội đã đưa ra phương án kiến trúc cầu vượt trục giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc và nhà dân. Mố cầu nằm ngoài di tích, còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này.

Theo chủ đầu tư, cầu vượt dự kiến khởi công trong năm 2013 và hoàn thành vào năm 2015. Trước đó, ngày 27/12/2012 Bộ VHTT&DL đã đồng ý cho phép UBND thành phố thực hiện xây cầu vượt theo phương án đã đề ra. Theo đó lan can phải trùng với bó vỉa đảo giao thông là chỉ giới khu vực I của di tích với diện tích 1.000 m2.

Thế nhưng, việc làm này ngay lập tức nhận được phản ứng từ phía các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. PGS.TS. Đặng Văn Bài,Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, mặc dù khoanh vùng nhưng việc đổ bê tông, đào móng sẽ làm nguy hại đến di sản trong lòng đất.

Thiết kế cầu

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài: “Không thể bỏ Đàn Xã Tắc và cũng không thể không xây dựng cây cầu này. Tuy nhiên cần phải làm sao để hài hòa, tôi không đồng tình với dự án vì nó ảnh hưởng quá lớn đến di sản”.

Trong khi đó, từng thực hiện khai quật Đàn Xã Tắc, PGS.TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khảo cổ cho rằng, di tích Đàn Xã Tắc cần phải được nghiên cứu và khai quật tiếp trong thời gian tới. Nếu xây cây cầu qua đây thì mặc định, di sản này vĩnh viễn sẽ không được nghiên cứu tiếp được.

“Tôi chưa từng được hỏi ý kiến về vấn đề này. Nhưng nếu được hỏi tôi nói rằng, phải gìn giữ để tiếp tục khảo cổ” - PGS.TS Tống Trung Tín cho biết.

Còn nhà sử học đầu ngành Phan Huy Lê cho rằng, di tích Đàn Xã Tắc rất linh thiêng, trong quan niệm cổ truyền và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Do đó, chúng ta phải tôn trọng tín ngưỡng này của nhân dân. Nếu cầu vượt mà trùm lên khu di tích có nghĩa là xe cộ và người sẽ đi lại trên khu di tích, vì vậy phải cân nhắc rất kỹ.

Trong khi đó, ông Phan Đình Tân – Chánh văn phòng của Bộ VHTT&DL cho biết, Bộ rất tuân thủ Luật Di sản văn hóa. Dự án cầu vượt đó không vi phạm chỉ giới khu vực lõi I (tức vùng lõi) của di tích. Còn khu vực vành đai II, III là khu vực có khả năng được điều chỉnh. Hơn nữa, xây cầu không vì động cơ của cá nhân ai, mà nó phục vụ lợi ích của quốc gia, lợi ích của Thủ đô thì cũng cần phải cân nhắc phương án hài hòa.

Sự việc cứ dùng dằng như vậy giữa các bên mà cụ thể là UBND thành phố Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa cùng các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa. Đáng lẽ trước khi thực hiện một dự án, đặc biệt dự án đó có tầm ảnh hưởng lớn đối với không chỉ đời sống dân sinh mà còn ảnh hưởng tới cả di sản của cha ông thì cần phải có tiếng nói và sự đồng thuận của chính người dân – chủ thể của di sản./.